Tính dân tộc trong chiến lược bước ra thế giới của công ty năng lượng IREX

(Dân trí) - Ngày 20-22/06/2018 tới đây, Công ty Cổ phần Năng lượng IREX sẽ tham dự sự kiện Intersolar 2018, đồng thời góp mặt trong vòng chung kết của cuộc thi E smarter Award, hạng mục Outstanding project (Dự án nổi bật) với dự án SES.

Năng lượng sạch Việt Nam mới chỉ phát triển từ năm 2017, kể từ khi Chính phủ ra quyết định về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời. Ít ai biết rằng, tại Việt Nam đã có doanh nghiệp sở hữu nhà máy hiện đại, xuất khẩu những tấm pin ra thị trường Thế giới từ cách đây 5 năm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Chị Phạm Thị Thu Trang – Giám đốc R&D của công ty IREX xoay quanh vấn đề này.

1. Xin chào chị Trang, InterSolar là sự kiện Triển lãm quốc tế lớn nhất về năng lượng sạch diễn ra hàng năm. Với kinh nghiệm hơn 4 năm tham gia các triển lãm quốc tế, chị có thể chia sẻ thêm về việc chuẩn bị trước thềm tham dự Intersolar 2018?

Với nhà máy cũ, các đơn hàng xuất khẩu liên tục đổ về đã lấp đầy công suất hoạt động, buộc chúng tôi phải nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng thêm dây chuyền công nghệ cao trước kỳ Intersolar 2018 để mở rộng công suất. Trong quý 2/2018, Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao IREX đã đi vào hoạt động giai đoạn 1. Dây chuyền mới có khả năng tự động hóa các tác vụ thủ công, giảm thiểu đáng kể các sai sót vật lý, đồng thời tiết kiệm khá nhiều thời gian, cho ra sản phẩm nhanh hơn và chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, các tấm pin IREX đã có đủ chứng nhận quốc tế để đưa vào các thị trường chủ lực như Châu Âu, Mỹ. Đây chính là 2 bước chuẩn bị quan trọng để chúng tôi tự tin thuyết phục các đối tác Quốc tế tại Intersolar.

Hình ảnh phối cảnh Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao IREX
Hình ảnh phối cảnh Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao IREX

2. Được biết cũng trong lần Intersolar này, công ty IREX cũng có mặt tại vòng chung kết cuộc thi The smarter E Award 2018, Chị có thể chia sẻ thêm về dự án này?

The Smarter E Award là cuộc thi Quốc tế thường niên nằm trong khuôn khổ Intersolar. Với mong muốn được thử sức mình trong sân chơi toàn cầu, qua đó tiếp thêm sự tự tin cho các thế hệ trẻ Việt Nam, chúng tôi đã quyết định đem dự án Không gian trải nghiệm năng lượng sạch (SES) đi thi. Việc SES lọt vào vòng chung kết được xem là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc nhân rộng mô hình này trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

3. Xuất khẩu pin mặt trời từ 2014, theo chị, những khó khăn của công ty năng lượng IREX trong thời gian đầu bước ra Thế giới là gì?

Cách đây 5 năm, công nghệ pin mặt trời Thế giới đã phát triển rất nhanh thì tại Việt Nam vẫn còn là dấu chấm hỏi. Các quốc gia đều mặc nhiên xếp Việt Nam vào vai trò khách hàng, chuyên nhập khẩu pin thay vì đối tác xuất khẩu mặt hàng này.

Trong khi đó, khách hàng thường lấy Tier 1 (Tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Bloomberg New Energy Finance) làm căn cứ để lựa chọn đối tác trong ngành điện mặt trời. Công ty năng lượng IREX lại không phải doanh nghiệp Tier 1 khi phải phụ thuộc khá nhiều vào bối cảnh quốc gia. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn vượt qua và có vị trí nhất định trên thị trường Quốc tế đến thời điểm này.

4. Công ty IREX đã làm thế nào để cạnh tranh với các đối thủ Tier 1 khác trong những năm qua?

Để giải quyết những khó khăn trên, IREX đã xây dựng nguyên tắc “Tier 0” để tạo ra sân chơi cho chính mình. “Tier 0” dựa trên sự tin tưởng giữa những người có chung lý tưởng và mục tiêu phát triển. Công ty năng lượng IREX cam kết đáp ứng tốt nhất chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu của đối tác với một mức giá cạnh tranh hơn doanh nghiệp Tier 1. Đổi lại, đối tác chia sẻ sự tín nhiệm IREX trong cộng đồng năng lượng sạch, mở rộng vòng tròn hợp tác lớn hơn và bền chặt hơn.

Theo đó, để thuyết phục khách hàng với nguyên tắc “Tier 0”, IREX đã có một thời gian dài hợp tác gia công với các đối tác Tier 1, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quy trình cho đến kiểm soát chất lượng từ các quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc này được công ty năng lượng IREX thực hiện nghiêm túc qua các kỳ Intersolar và giành được sự tín nhiệm từ nhiều đối tác trên Thế giới.

Sau khi có hợp đồng với các đối tác tin tưởng, IREX tiếp tục lấy đó làm uy tín để thuyết phục các đối tác khác, doanh thu có được tái đầu tư vào dây chuyền hiện đại, tự động hóa 100% để thuyết phục khách hàng tin tưởng.

Công ty IREX đã có 5 năm xuất khẩu pin mặt trời ra thị trường Quốc tế
Công ty IREX đã có 5 năm xuất khẩu pin mặt trời ra thị trường Quốc tế

5. Chị có thể chia sẻ thành quả của nỗ lực “Tier 0”?

Theo kết quả Đại hội cổ đông thường niên 2018 vừa qua, doanh thu năm 2017 của công ty IREX đã tăng hơn gấp 3 lần so với năm ngoái, lợi nhuận thu được tái đầu tư vào việc mở rộng nhà máy với dây chuyền tự động 100%, mở thêm các chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều nước trên Thế giới như Mỹ, Myanmar, Anh, Newzealand.

Thêm vào đó, theo tiêu chí của Tier 1, công ty năng lượng IREX cần có sự bảo lãnh đơn hàng từ 6 ngân hàng khác nhau. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 3 ngân hàng đồng ý bảo lãnh cho IREX. Con số này sẽ còn tăng lên một khi các ngân hàng đã quen với các khái niệm và định giá về ngành điện mặt trời. Đây chính là bước đầu để IREX hoàn thành mục tiêu đạt Tier 1 trong năm 2020.

Công ty IREX đã có 5 năm xuất khẩu pin mặt trời ra thị trường Quốc tế
Công ty IREX đã có 5 năm xuất khẩu pin mặt trời ra thị trường Quốc tế

6. Như vậy, ngay từ đầu, IREX đã xác định cuộc chơi của mình ở thị trường quốc tế?

Cái tên “IREX” (International Renewable Energy Expert) đã nói lên tất cả. IREX tin rằng chỉ cần các doanh nghiệp Việt cùng đoàn kết, tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất pin mặt trời, chúng ta hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành này. Xuất phát điểm thấp hơn không có nghĩa là Việt Nam không thể đuổi kịp các nước khác.

Chính vì thế, ngay từ ban đầu, công ty IREX đã tự đặt cho mình một chuẩn mực khắt khe hơn so với mặt bằng chung quốc gia, vì mục tiêu của IREX nằm ở thị trường hơn 7.5 tỷ dân ngoài kia, chứ không chỉ dừng lại ở 90 triệu dân.

Dĩ nhiên, ai chẳng muốn chọn việc dễ dàng, nhưng xét ở bối cảnh Việt Nam lại khác. Với tư duy “chuộng đồ ngoại” đã ăn vào tiềm thức, sẽ rất khó để doanh nghiệp Việt “vỗ ngực xưng tên” nếu không tự mình tạo lập được giá trị sánh tầm với quốc tế. Chúng tôi cũng từ những băn khoăn đó để phát triển sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, để dân tộc mình thực sự được sử dụng những sản phẩm “Made in Việt Nam” có chất lượng quốc tế, với giá thành phù hợp hơn. Có như vậy, điện mặt trời mới có thể đến được với những người dân vùng xa xôi của Tổ quốc, nơi mà nguồn cung về điện luôn trong tình trạng thiếu hụt nhiều nhất.

Cảm ơn chị!