Quảng Nam:

Tiềm năng từ giống bò “thuần cỏ” Long Hội

(Dân trí) - Bãi cỏ Long Hội ven sông Thu Bồn, được ví như “thảo nguyên bò” rộng lớn, phì nhiêu. Nhờ sự ưu ái của tạo hóa đã biến nơi đây thành bãi bồi trù phú, thuận lợi cho người dân trồng trọt và chăn nuôi.

Sông Thu Bồn chảy về đến xã Điện Quang chẻ làm hai nhánh bao bọc, ôm lấy hai xã Điện Quang, Điện Trung và một phần xã Điện Thọ tạo thành một bãi bồi phì nhiêu trước khi hợp lưu.

Bãi bồi (bãi cỏ Long Hội) rộng lớn, trù phú, xanh ngút tầm mắt, xa xa là những chú bò đang nhởn nhơ gặm cỏ gợi nhắc ta về một vùng quê yên ả, thanh bình.

Bò được nhốt lại khi trời nắng nóng để đảm bảo sức khỏe
Bò được nhốt lại khi trời nắng nóng để đảm bảo sức khỏe

Từ trong xóm mới Kỳ Lam (xã Điện Quang) đi dọc ven sông, ta có thể nhìn thấy những trang trại bò trải dài trên bãi cỏ. Từng đoàn xe máy, xe đạp, xe công nông nối tiếp nhau chở từng bao cỏ, nhành bắp đến các trại bò.

Dưới cái nắng chói chang của ngày hè miền Trung, hầu hết bò đều được nuôi nhốt trong chuồng, hoặc thơ thẩn dưới bóng râm. Ông Đoàn Trung (Điện Thọ, Điện Bàn) cho biết: “Nắng nóng như thế này thì chủ yếu nuôi nhốt trong chuồng hoặc cột dưới bóng râm để đảm bảo sức khỏe cho bò. Thức ăn chủ yếu là nhành bắp nếp mình đi bẻ giúp nên họ cho lại hoặc gia đình tự trồng cỏ rồi cho ăn thêm với cám".

"Gia đình tôi nuôi chỉ 7 con, sau khi bò lớn thì thương lái đến mua, bán tại trại nên người ta cũng ép giá lắm nhưng cũng chịu thôi. Trung bình năm sau khi trừ các khoản phí gia đình lãi từ 70-80 triệu đồng, cũng đủ trang trải chi phí bên cạnh trồng trọt”, ông kể.

Những người dân thuần nông ở Kỳ Long, Kỳ Lam (xã Điện Thọ) và xóm mới Kỳ Lam,… vẫn quen với ruộng đồng, rồi hơn mấy chục năm trước họ lại cùng nhau đến bãi cỏ Long Hội để chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê từ hai xã Điện Quang và Điện Thọ, đến mùa con nước, cỏ xanh mơn mởn số lượng bò ở đây có thể lên đến hơn 1.000 con bò với gần 130 hộ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng đang chăm sóc những chú bò trong trang trại của mình cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 25 con, sau khi trừ tất cả chi phí thì mỗi năm cũng lãi vài trăm triệu, dự định thời gian đến sẽ mở rộng trại bò của mình. Bạn hàng sau khi đến đây mua thì chuyển đi khắp nơi trong và ngoại tỉnh, bê thui Cầu Mống nổi danh Quảng Nam cũng là bò từ đây chứ đâu xa”.

Dọn dẹp phân bò
Dọn dẹp phân bò

Ông Hoàng cho biết thêm, ngày xưa gia đình vợ chồng toàn đi làm thuê cho người khác. Chủ bò bỏ giống và chi phí còn vợ chồng thì bỏ công nuôi sau khi bán bò hai bên thỏa thuận chia đôi. Sau khi nuôi thuê bốn năm thì ông Hoàng chuyển ra nuôi riêng.

Đến năm 2000 thì vợ chồng ra riêng, sau hơn 15 năm chăn nuôi, chăm sóc tận tình vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt họ đã có thể nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Những con bò “thuần cỏ” luôn được ưa chuộng
Những con bò “thuần cỏ” luôn được ưa chuộng

Cách đó không xa là trang trại bò của gia đình ông Nguyễn Đức Sơn, được xem là người đầu tiên nuôi theo quy mô lớn. Ông Sơn trước đây chăn nuôi cho hợp tác xã (HTX) cũ Tiền Phong (Điện Thọ) có tiếng khắp tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng xưa.

Sau khi HTX tan rã, ông Sơn bắt đầu ra làm riêng, tự mình làm chủ với vốn khởi nghiệp là vài con bò giống. Ông chia sẻ: “Từ vài con bò làm giống ban đầu nhờ vào nguồn cỏ tươi tốt được vun vén sau mỗi đợt phù sa của mùa lũ. Sau này trại bò của tôi phát triển dần lên, ăn nên làm ra đến nay số lượng đã lên đến hơn 100 con”.

Mỗi đợt lũ về nhờ lượng phù sa bồi đắp nên cây cỏ tươi tốt, bò ăn mãi không hết, tạo nên một vùng “thảo nguyên bò” rộng lớn, xanh mơn mởn. Đến mùa nắng, cỏ héo úa người ta lại chuyển sang cho bò ăn cỏ tự trồng như cỏ mật, cỏ voi…

Mùa chăn nuôi ở đây tùy theo con nước mà tính, từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch người dân chủ yếu trồng đậu xanh và bắp. Tới mùa lụt là tháng 9-10 trở đi thì người ta gieo đậu phộng, dưa và bắp. Hầu hết ở đây chủ lực là cây bắp, vì nếu lỡ thiếu cỏ thì tận dụng nhánh bắp hoặc quả bắp để xay cám cho bò ăn.

Theo bà Lê Thị Liên, bò ở đây là bỏ được chăn nuôi theo dạng “thuần cỏ”. Bò chắc thịt và thượng hạng, không sử dụng chất tạo nạt hay tăng trọng mà hoàn toàn nuôi theo dạng chăn thả tự nhiên.

Tiềm năng từ giống bò “thuần cỏ” Long Hội - 4
Bò được chăm sóc kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng, đây cũng là nơi cung cấp bê thui nổi tiếng của Quảng Nam
Bò được chăm sóc kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng, đây cũng là nơi cung cấp bê thui nổi tiếng của Quảng Nam

Nhờ những năm sống, làm việc bên bò nên những người dân ở đây luôn nắm được tập tính của bò như ăn giờ nào, uống nước giờ nào, lúc nào bò cần nghỉ ngơi tránh nắng khi nào bò lạnh,…

Những lúc lũ về người chăn bỏ ở bãi cỏ Long Hội lại cũng nhau thức trắng đêm để canh gác, chuyển bò lên vùng cao sao cho kịp giờ nước lên. Nhiều lúc chuyển không kịp bò lại bị lũ cuốn mất.

Nhưng trời không phải lúc nào cũng bất công, khi lũ rút thì toàn bãi bồi là một lớp phù sa màu mỡ bồi đắp thêm cho những đồng cỏ ven triền đồi. Cho màu xanh ở “thảo nguyên” Long Hội thêm màu mỡ, xanh ngát, dịu mát, cho cuộc sống người dân nơi đây thêm no ấm, hạnh phúc

N.Linh-C.Bính