Thương chiến Mỹ-Trung gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến đến kinh tế toàn cầu
(Dân trí) - Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nỗi lo thực sự về suy thoái kinh tế do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã nổ ra từ 13 tháng trước, sẽ tàn phá hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý IV và khiến hai quốc gia này phải chịu một sự tổn thất nặng nề hơn so với dự kiến trước đó”, theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
“Nền kinh tế Hoa Kỳ phải đối mặt với nỗi lo thực sự về suy thoái kinh tế”, Goldman Sachs nói, trong khi đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 của Hoa Kỳ đi 0,2 điểm phần trăm xuống chỉ còn 1,8 phần trăm trong ba tháng cuối năm 2019.
“Trung Quốc cũng sẽ có mức giảm tăng trưởng lớn nhất kể từ khi thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm Trung Quốc có tác dụng trong quý IV”, Ngân hàng đầu tư UBS cho biết, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho cả năm 2019 và 2020.
Theo nhóm nghiên cứu kinh tế của Goldman do Jan Hatzius và Alec Phillips dẫn đầu, “Mức thuế nhắm vào 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực và chắc chắn sẽ không có một thỏa thuận thương mại nào giữa 2 quốc gia trước cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ năm 2020”
Các báo cáo của hai ngân hàng, nhấn mạnh rằng 13 tháng tranh chấp giữa hai nền kinh tế đã ảnh hưởng sang phần còn lại của thế giới. “Khi các doanh nghiệp chờ đợi các giải pháp giảm leo thang cuộc chiến, các khoản đầu tư sẽ bị hoãn lại và Chi tiêu, vốn đã giảm, sẽ giảm hơn nữa và làm chậm đà tăng trưởng thế giới”
“Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ làm tăng sự không chắc chắn đối với chính sách thương mại trong tương lai, điều này khiến các doanh nghiệp trở nên bi quan hơn, đi kèm với đó là sự đầu tư và sản xuất ít hơn”, theo Goldman.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng thuế quan đối với hơn một nửa các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất trong năm qua và đe dọa sẽ áp thêm thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc vào tháng 9. Bắc Kinh sau đó đã đáp trả bằng thuế quan và các hành động trả đũa của riêng mình.
Trump đã có một đường lối cứng rắn về thuế quan khi ông cố gắng buộc Trung Quốc thay đổi chính sách công nghiệp và thương mại của mình. Mỹ cũng đã gán cho Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ hồi tuần trước sau khi Bắc Kinh cho phép đồng nhân dân tệ trượt xuống dưới mức 7 nhân dân tệ so với một đồng đô la Mỹ.
Hôm thứ Hai, ngân hàng UBS cho biết họ dự kiến mức thuế 300 tỷ USD sẽ giảm mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc ít nhất 30 điểm cơ bản trong 12 tháng tới. Ngân hàng đầu tư cũng cho biết, tác động tiêu cực của lệnh cấm đối với Huawei dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay và lan rộng đến năm 2020.
Do đó, UBS đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc xuống còn 6,1% từ 6,2% và dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống còn 5,8% từ 6,1%.
Ngân hàng Hoa Kỳ, Merrill Lynch cho biết vào cuối tuần trước rằng xác suất suy thoái kinh tế toàn cầu đã tăng lên, với số lượng các chỉ số suy thoái kinh tế hiện tại đang “nhấp nháy trên vạch nguy hiểm”
“Cuộc xung đột mới nhất này khiến những người tham gia thị trường rất lo lắng”, các nhà kinh tế của Ngân hàng Hoa Kỳ-Merrill Lynch, Michelle Meyer và Joseph Song đã viết trong một thông báo vào thứ Sáu.
“Thị trường chứng khoán đã chứng kiến ngày trượt dốc lớn nhất trong năm vào thứ Hai. Đường cong về lợi suất đảo ngược mạnh mẽ hơn, cho thấy những người tham gia thị trường đang rất lo lắng về tính bền vững của việc đầu tư. Nếu thị trường tiếp tục phản ứng tiêu cực, chúng tôi nghĩ rằng (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ buộc phải hành động. Lời kêu gọi của chúng tôi là Fed nên cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 10, nhưng sẽ có các rủi ro lớn đi kèm khi Fed nới lỏng hơn”, Michelle Meyer và Joseph Song đã viết.
Thùy Dung
Theo Scmp