Thuế tài sản nhà, đất: “Đánh mạnh vào người giàu, 90% dân không ai phản đối!”

(Dân trí) - Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải tính ra giá trị trung bình của xã hội là bao nhiêu, dưới mức đó không phải nộp thuế còn những người nào đang chiếm hữu nhiều hơn mức trung bình thì phải đóng góp vào ngân sách để đầu tư phát triển, tạo cơ hội tiếp cận nhà cho người khác.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... sẽ bị đánh thuế. Mức thuế suất dự kiến ở mức 0,3 hoặc 0,4%. Dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và giới chuyên gia.

Xung quan dự án này, PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân, Đại biểu Quốc hội (Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách) đã có một số chia sẻ với PV Dân trí.

Mục tiêu thì tốt…

Thưa ông, Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về việc xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản. Đây là một loại thuế khá phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, theo ông, thuế tài sản liệu có phù hợp với Việt Nam vào thời điểm này hay không?

Thuế tài sản là sắc thuế khá phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết hành vi sử dụng, chiếm hữu tài sản cũng như đóng góp nguồn thu ngân sách.

Đối với các loại tài sản hữu hạn thì cần phải có các quy định điều tiết hành vi sở hữu. Điển hình như nhà đất, bất động sản là tài sản hữu hạn, không phải vô hạn nhưng nhu cầu lại là phổ thông, tất cả mọi người đều cần. Do đó, phải sử dụng thuế tài sản để điều chỉnh, hạn chế hành vi chiếm hữu quá nhiều, làm mất cơ hội tiếp cận của người khác.

Rõ ràng, một sắc thuế phổ biến với mục tiêu cơ bản là điều tiết hành vi, tạo ra sự công bằng, cơ hội tiếp cận cho mọi người thì là một sắc thuế tốt. Vậy sắc thuế này có phù hợp với Việt Nam không?

Theo tôi, Việt Nam đang là nước thu nhập chưa cao, thậm chí chúng ta cũng chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo và đang ở ngưỡng trung bình nhưng thấp. Tuy nhiên, giá nhà đất của chúng ta lại rất cao, thậm chí nếu tính tương quan giá nhà đất với thu nhập ở Việt Nam là cao nhất. Vì sao? Bởi trong đấy có lý do hết sức cơ bản là tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản, đẩy giá nhà lên.

Dân số Việt Nam đông, nhu cầu sở hữu nhà đất lớn nhưng số lượng nhà ở đất đai có hạn, nếu một nhóm người chiếm hữu quá nhiều sẽ khiến nguồn cung ít đi. Mà cầu nhiều lại là nguyên nhân khiến giá tăng, người đầu cơ hưởng lợi, vô hình chung điều đó khuyến khích thúc đẩy đầu cơ.

Trong bối cảnh đó, nếu như thuế tài sản điều tiết được hành vi chiếm hữu này, hạn chế những người chiếm hữu quá nhiều bất động sản sẽ tạo cơ hội tiếp cận nhà đất cho những người không có nhiều tiền.

Xin ông chia sẻ thêm về lý do tại sao thuế tài sản lại có thể góp phần điều tiết hành vi chiếm hữu tài sản, tạo cơ hội tiếp cận cho nhiều người thu nhập thấp hơn?

Tất nhiên quyền sở hữu tài sản là của công dân, nhà nước không thể dùng biện pháp hành chính cấm. Tuy nhiên, ở đây, anh có quyền mua nhiều nhưng phải nộp thuế cao, nộp thuế cao để buộc anh phải tính toán hạn chế chiếm hữu đi, tạo cơ hội tiếp cận cho người khác. Còn nếu muốn chiếm hữu nhiều thì phải nộp nhiều thuế, khoản thuế đó được tập trung vào ngân sách và để trang trải, đầu tư hạ tầng, nhà mới cho xã hội, tạo cơ hội cho người khác.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, các chuyên gia và nhiều người cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tài sản. Nếu làm tốt rõ ràng tránh được tình trạng đầu cơ, giá tài sản tăng quá cao, nhiều người chiếm hữu quá nhiều nhà cửa, đất đai.

Tình trạng sở hữu đất đai, nhà cửa mà theo kiểu “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” ở Việt Nam không hề thiếu. Nếu đánh thuế tài sản sẽ buộc họ phải điều tiết.

Như vừa qua, 3 đặc khu kinh tế của chúng ta vừa mới dự kiến hình thành thôi là nhà đầu cơ đã nhảy ra mua đất chờ giá tăng. Họ cứ đổ tiền vào đó bởi dù sau này giá đất tăng hay không tăng họ cũng không phải nộp thêm đồng thuế nào.

Tuy nhiên, nhà đầu cơ có tiền ném ra đấy, ôm hết đất lại thì khi giá lên người dân, Nhà nước hay nhà đầu tư có hưởng lợi không? Dĩ nhiên là không, như các nhà đầu tư, do giá đất tăng lên khiến họ phải bỏ nhiều tiền hơn để đầu tư mặt bằng, đầu tư phát triển, trong khi đáng ra tiền đó có thể dùng để đầu tư kinh doanh. Còn nhà nước thì mất thêm chi phí giải phóng mặt bằng khi đền bù lấy đất thu hút đầu tư.

Hoặc chúng ta nhìn thấy Nhà nước bỏ tiền rất nhiều chỉnh trang đô thị, khi giá đất tăng lên người đầu cơ hưởng lợi, nhà nước hưởng gì? Thôi thì người dân được hưởng lợi cũng được nhưng lại không công bằng bởi những người di dời nhà đi để có con đường đấy thì lại được đền bù thấp, trong khi những xung quang đấy tự nhiên hưởng lợi, như vậy là không công bằng.

Thuế tài sản tạo ra công bằng cho những người sở hữu tài sản, đặc biệt là tài sản hữu hạn. Việt Nam đang mất công bằng nên việc áp dụng thuế tài sản là cần thiết.

… nhưng đề xuất cho cảm giác tận thu

Một sắc thuế như ông phân tích là rất cần thiết và phù hợp với Việt Nam nhưng trên thực tế gặp phải nhiều phản đối từ phía người dân. Vậy theo ông, lý do ở đây là vì sao?

Vấn đề là cách chúng ta điều tiết như thế nào? Dự thảo lấy ý kiến của Bộ Tài chính chịu phản ứng của đông đảo vì cách tiếp cận mục tiêu điều tiết không có, không nhìn thấy người chiếm hữu nhiều tài sản phải đóng thuế nhiều trong khi người sử dụng ít, tối thiểu như người thu nhập thấp vay tiền mua nhà ở xã hội giờ cũng nằm trong đối tượng chịu thuế.

Có một số đối tượng họ được miễn thuế nhưng ở đây là nhà nước đặt ra chính sách miễn thuế, còn họ vẫn là đối tượng chịu thuế. Khác nhau hoàn toàn, người ta phản đối với lý lẽ rằng “tôi không cần xin, tại sao tôi phải xin nhà nước miễn thuế”.

Như vậy, chúng ta đang áp dụng cơ chế làm tất cả mọi người phải chịu gánh nặng đóng thuế. Cách đưa ra như thế khiến người ta cảm giác tận thu nên phản đối là điều dễ hiểu.

Vậy trong bối cảnh Việt Nam phải tính thuế như thế nào thì phù hợp, thưa ông?

Kinh nghiệm các nước thì đúng là nhiều nước bất kể người nào sở hữu tài sản đều phải nộp thuế nhưng với Việt Nam có nên không? Có nước bắt đầu từ khởi điểm nào đó mới phải nộp thuế? Đây mới là vấn đề chúng ta nên học kinh nghiệm, áp dụng kinh nghiệm nào?

Dự thảo đưa ra khởi điểm 700 triệu đồng, trên thực tế làm gì có cái nhà nào dưới 700 triệu. Còn dự thảo tính dựa trên suất đầu tư là sai lầm của Bộ Tài chính. Đánh thuế lại đưa ra công thức tính giá không thật, tính thuế phải tính đúng giá thật. Nhà nào là nhà dưới 700 triệu, có thể 1 căn chung cư rất bình thường có giá trên 700 triệu đồng nhưng 1 căn biệt thự rất đẹp cũng dưới 700 triệu đồng.

Chúng ta phải tính dựa trên giá trị thật đi, còn tại sao không làm được thì phải nghĩ, không thể vì chưa đánh giá đúng giá trị lại dùng những cái méo mó lệch lạc. Như vậy thì chính sách sai.

Với sắc thuế này, hãy tính ra giá trị trung bình của xã hội là bao nhiêu, dưới mức đó không phải nộp thuế còn những người nào đang chiếm hữu nhiều hơn mức trung bình thì phải đóng góp vào ngân sách để đầu tư phát triển, tạo cơ hội tiếp cận nhà cho người khác.

Vậy người dân có phản đối không? Tôi nghĩ những người ở mức trung bình trở xuống người ta thấy như thế không tạo sức ép, không ảnh hưởng thì sẽ không còn phản đối.

Còn người chiếm hữu nhiều tài sản thì không chỉ mức thuế 0,4% mà phải luỹ tiến như nhiều nước đưa ra với dạng bất động sản cao cấp, xa xỉ. Nếu đưa ra chính sách luỹ tiến với những đối tượng như thế rõ ràng người dân nhìn thấy mục tiêu là điều tiết những người đang chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội. Vậy thì làm gì có ai phản đối. Có chăng chỉ là 10% người giàu phản đối chứ 90% người dân Việt Nam sẽ đồng tình.

Nếu đưa ra chính sách như thế cũng đừng lo ngại nguồn thu ít, có khi còn nhiều hơn. Vì hiện đang áp dụng đại trà, người dân đang đóng vài triệu mỗi năm trong bối cảnh thu nhập bình quân hiện nay thì sức ép quá lớn bởi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta cũng mới chỉ có 2.400 USD/năm.

Trong khi đó, nếu thu đại trà như hiện nay thì phải chi phí cho công tác thu phí nhiều. Hiện nếu phải thu 90 triệu dân thì chi phí cho bộ máy rất lớn nhưng chỉ nhắm vào đối tượng chiếm hữu nhiều thì đối tượng thu thuế sẽ ít đi, chi phí hành chính ít, hiệu quả hơn rất nhiều.

Như vậy, không chỉ người dân đồng tình mà nguồn thu cũng tăng. Đương nhiên sẽ có tác động đến hành vi đầu cơ, tác động tới việc mua nhà đất chờ tăng giá khiến thị trường minh bạch, lành mạch, giá nhà đất bình ổn hơn. Rõ ràng việc đó là tốt cho xã hội, như vậy mới đúng nghĩa tạo ra lành mạnh cho xã hội trong khi tạo nguồn thu ngân sách.

Phương Dung ghi

Thuế tài sản nhà, đất: “Đánh mạnh vào người giàu, 90% dân không ai phản đối!” - 2