Thủ tướng chỉ ra hàng loạt vấn đề nóng, yếu kém của kinh tế Hà Nội
(Dân trí) - Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà về đánh giá tình hình Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế Hà Nội, Thủ tướng đã đưa ra một số thành tựu của Hà Nội nhưng cũng chỉ ra hàng loạt yếu kém nhất là về điều hành kinh tế, cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường và chưa đảm bảo để Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế cả nước.
Thủ tướng cho biết: Giai đoạn 2012-2016 kinh tế của Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững, quy mô chiếm 13% cả nước; đóng góp hơn 15% tổng thu ngân sách của cả nước.
Hà Nội là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năm 2016 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hà Nội xếp thứ 14, vượt 10 bậc so với năm 2015. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa.
Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp; tình trạng tắc đường và ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng; một số dự án nêu trong Nghị quyết 11 vẫn còn chậm.
Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận: Thủ đô luôn chịu sức ép lớn về tốc độ đô thị hóa mạnh và tăng dân số cơ học nhanh. Sự phối hợp quản lý, điều hành giữa một số Bộ, ngành trung ương và thành phố trong một số việc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ hoặc chậm ban hành, có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn của Thủ đô.
Thủ tướng chỉ rõ: Một số cấp, ngành, lĩnh vực còn thiếu năng lực quản lý, lãnh đạo, tính năng động, sáng tạo, công tác dự báo chưa tốt. "Một bộ phận đảng viên, công chức làm việc còn thiếu trách nhiệm, đùn đẩy. Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn còn yếu, dẫn đến chậm tiến độ dự án,...", Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ nêu giải pháp: Hà Nội cần phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, gắn quy hoạch xây dựng Thành phố với phát triển không gian của vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Bộ và cả nước. Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành.
Hà Nội tiếp tục phải rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực theo hướng bền vững, chất lượng, gắn với hội nhập.
Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác chống chuyển giá, chống thất thu, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu thuế, gian lận thương mại; đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Về bố trí chi ngân sách, Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án cơ sở hạ tầng đô thị, thoát nước, khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường, các cơ sở hạ tầng xã hội thiết thực phục vụ nhu cầu xã hội.
Ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu của Thành phố. Xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực; trong đó, đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô.
Thủ tướng yêu cầu bằng mọi biện pháp phải đưa Hà Nội trở thành một đô thị xanh, sạch và sáng tạo, tạo sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Nguyễn Tuyền