1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Lê Minh Hưng: Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành ngân hàng tái khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin không phải đồng tiền pháp định theo quy định pháp luật hiện nay. Sử dụng Bitcoin thanh toán cũng được coi là không hợp pháp.


Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Sử dụng đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

"Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Sử dụng đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện đồng tiền ảo Bitcoin, trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội chiều nay (16/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết không riêng Việt Nam, đây là vấn đề mới của nhiều nước.

Ông cũng một lần nữa khẳng định, quan điểm của NHNN, Bitcoin không phải đồng tiền pháp định (theo quy định pháp luật hiện nay).

"Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Sử dụng đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ tư pháp để có cơ sở quản lý bitcoin, nhất là trong xu thế như vậy thì cần phải có khuôn khổ phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo hàng hóa. NHNN sẽ có trách nhiệm của mình sẽ phối hợp với bộ Tư pháp.

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) nêu ra sự kiện đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo Bitcoin và bị NHNN “tuýt còi” và cho biết: “Tôi mong Chính phủ tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan".

Ông cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn.

Còn theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) đề xuất Việt Nam sớm luật hóa giao dịch Bitcoin, để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế, và có thể thu thuế.

Ông Phạm Phú Quốc cho biết, thực tế các giao dịch mua bán Bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người Việt Nam có thể thực hiện việc mua bán đồng tiền ảo này và giao dịch chuyển tiền rất nhanh chóng, dễ dàng.

"Hôm nay bỏ ra 4.000 USD mua 1 Bitcoin, ngày mai lên giá 5.000 USD. Như vậy là có sự giao dịch thương mại và có lợi nhuận, vậy thì phải thu thuế. Ngoài ra, có sự phát sinh thương mại giữa người với người trong mối giao dịch liên quan đến đồng tiền này nên chúng ta phải quản lý để đảm bảo quyền tự do thương mại, tự do kinh doanh của người dân, từ đó cho thấy phải hình thành pháp lý để quản lý đồng tiền ảo này”- đại biểu nói.

Ông cũng cho rằng, việc mua bán đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự, cần có chính sách để giám sát và bảo vệ quyền lợi của những người liên quan. Đồng thời, đại biểu dẫn trường hợp Trung Quốc từng tuyên bố không công nhận Bitcoin nhưng sau 2 tháng, giá của tiền ảo này lại tăng nhanh, người dân nước này không mua được ở sàn Trung Quốc thì qua sàn Ấn Độ thôi.

Phương Dung

Thống đốc Lê Minh Hưng: Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp - 2