Thời khó của “đại gia” taxi Vinasun: Quỹ ngoại rút hết vốn, nhà đầu tư nội “nhảy” vào

(Dân trí) - Sau khi GIC thoái toàn bộ vốn, HSC mới đây thực hiện động thái mua vào 7 triệu cổ phiếu VNS của Vinasun, trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp vận tải taxi này.

HSC vừa thực hiện mua vào 7 triệu cổ phiếu ông lớn ngành taxi một thời - Vinasun.
HSC vừa thực hiện mua vào 7 triệu cổ phiếu "ông lớn" ngành taxi một thời - Vinasun.

Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - HSC (mã HCM) vừa thông báo về việc trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Theo đó, HSC vừa thực hiện mua vào 7 triệu cổ phiếu VNS, trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp vận tải taxi với tỷ lệ nắm giữ là 10,61%. Trước khi thực hiện giao dịch, HSC chỉ sở hữu có 8 cổ phiếu tại hãng taxi này.

Thông báo cũng nêu giao dịch được thực hiện vào ngày 25/5/2018 với giá 13.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, HSC đã phải chi khoảng 100 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn tại Vinasun.

Trước đó, quỹ đầu tư GIC của Singapore đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun để “cắt lỗ”, khi kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống.

GIC được biết là một trong những quỹ ngoại đầu tiên đầu tư vào Vinasun. Quỹ này đã mua tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng 7,96% vào tháng 8/2014 (sau được chia cổ tức tăng lên sở hữu 5,4 triệu cổ phiếu). Thời điểm này, giá VNS được giao dịch trong khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu, tương đương GIC đã chi ra hơn 202 tỷ đồng để đầu tư vào Vinasun.

Sau gần 4 năm, quỹ đầu tư này đã phải cắt lỗ với mức giá thỏa thuận chỉ 14.400 đồng/cổ phiếu, tương đương khoản lỗ 120 tỷ đồng.

Động thái rút vốn khỏi Vinasun của GIC diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng taxi gặp lao đao trước áp lực cạnh tranh từ mô hình ứng dụng gọi xe như Uber, Grab... Đầu năm 2018, Vinasun đã đâm đơn kiện Grab đòi đền bù 41 tỷ đồng, vì cho rằng Grab đã cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại tràn lan.

Như vậy sau khi GIC thoái toàn bộ vốn, HSC thực hiện động thái mua vào, cơ cấu cổ đông tại Vinasun thời điểm hiện tại như sau: Cổ đông lớn nhất vẫn là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT công ty với gần 25% vốn, tiếp đến là quỹ Tael Two Partners Ltd nắm giữ 18,3% và thứ 3 là HSC với 10,61%.

Trước đó, trải qua một năm kinh doanh biến động, doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của Vinasun đều sụt giảm khá thê thảm. Tổng số nhân viên cũng sụt giảm vài nghìn người.

Xác định một loạt khó khăn, thách thức, Vinasun đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là 1.750 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017). Kế hoạch năm 2018 giảm 65% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu giảm 50% so với năm 2017 và chỉ đạt khoảng 95 tỷ đồng.

Vinasun đánh giá, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường taxi TP.HCM với gần 30.000 chiếc, tận dụng tiềm lực tài chính mạnh và kẽ hở của quy định hiện hành để áp dụng các phương thức cạnh tranh bất bình đẳng, mang tính chất tận diệt là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty.

Trong báo cáo tài chính quý I/2018 mới được công bố của Vinasun, mảng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tiếp tục giảm nhiều nhất, sụt tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý I của Vinasun chỉ đạt 11,6 tỷ đồng; giảm mạnh tới 79% so với cùng kỳ.

Nguyễn Mạnh

Thời khó của “đại gia” taxi Vinasun: Quỹ ngoại rút hết vốn, nhà đầu tư nội “nhảy” vào - 2