1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sửa các Luật về đầu tư, kinh doanh: Kiên quyết loại bỏ "cài cắm" lợi ích nhóm

(Dân trí) - Dự thảo Luật về một luật sửa nhiều luật đang được cơ quan soạn thảo cùng các bên liên quan đưa ra lấy ý kiến chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này là tất cả các quy định của luật chuyên ngành có liên quan đến đầu tư, kinh doanh sẽ được điều chỉnh.

Nhiều kỳ vọng được đưa ra trong đó chắc chắn các vướng mắc về rừng văn bản, rừng quy định sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện tốt cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thách thức trong việc xây dựng văn bản pháp luật này là rất lớn bởi nó liên đới đến nhiều luật chuyên ngành, hay nói cách khác là quyền và lợi ích của nhiều Bộ.

Cấm cài cắm lợi ích Bộ, ngành trong làm Luật

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến) về dự Luật này trước khi trình cấp có thẩm quyền chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, các Bộ, ngành từ nay không được xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong đó cài cắm quyền anh, quyền tôi và điều này đã được thể hiện rõ ở các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ khu vực vừa và nhỏ phát triển.

Dự thảo một Luật sửa nhiều Luật liên quan đến các luật chuyên ngành về đầu tư, kinh doanh đang được trông chờ sẽ phá bỏ các rừng văn bản, quy định như hiện nay.
Dự thảo một Luật sửa nhiều Luật liên quan đến các luật chuyên ngành về đầu tư, kinh doanh đang được trông chờ sẽ phá bỏ các rừng văn bản, quy định như hiện nay.

Ông Đông nhấn mạnh: "Trên thực tế việc, bộ ngành soạn thảo Thông tư và một số văn bản quy phạm pháp luật để cài cắm lợi ích của mình vẫn xảy ra chứ không phải không. Tuy nhiên, đây là lợi dụng kẽ hở chính sách, Chính phủ và Thủ tướng không chỉ đạo. Sắp tới việc rà soát các Thông tư lên Nghị định sẽ rất kỹ hành vi này và kiên quyết loại bỏ. Tuy nhiên, Bộ cũng như các cơ quan chuyên môn đề nghị các DN - những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật này kiến nghị cụ thể, gửi trực tiếp văn bản đến cơ quan Bộ, Chính phủ để chúng tôi có căn cứ xác định và đưa chính sách vào thực tiễn".

Hiện về các kiến nghị sửa đổi các luật chuyên ngành như: Đầu tư; Doanh nghiệp, Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản... có nhiều. Trong các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, tập trung nhiều nhất vào việc đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, không khiến DN phải đi một cửa nhưng nhiều ngách, nhiều giấy tờ. Bên cạnh đó, tháo gỡ rào cản đầu tư được thể hiện rõ trong kiến nghị loại bỏ nhiều ngành, nghề ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện không còn phù hợp. Việc giải quyết các thủ tục đất đai, sở hữu Nhà ở cũng được nói đến nhiều nhất...

Tại Hội thảo tiếp thu ý kiến của chuyên gia, cộng đồng DN về dự thảo Luật nói trên vừa được tổ chức tại Tp HCM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: VCCI đề xuất quy định trong Luật Đầu tư, như danh mục ngành nghề kinh doanh phải là một danh mục “mềm”, có thể sửa đổi, bổ sung hàng năm: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội có thể bổ sung, bãi bỏ điều kiện kinh doanh theo đề nghị của Chính phủ. Trong tổng số 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện các Bộ, ngành đã đề xuất bỏ 68 ngành, nghề; đề xuất sửa 26 ngành, nghề; đề xuất bổ sung thêm 12 ngành, nghề; đề xuất hợp nhất 17 ngành, nghề.

Về Luật Doanh nghiệp, theo ông Tuấn, hiện quy định DN có thể có nhiều đại diện không giải quyết được vấn đề đại diện của DN. Các DN lớn có nhiều vị trí đại diện cho DN giao dịch với khách hàng, có hiện tượng dựa vào “ủy quyền”, thẩm quyền để né tránh trách nhiệm. Do đó, kiến nghị trong quy định về thể lệ, Công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Cá nhân không phải là người đại diện theo pháp luật của DN chỉ được đại diện cho doanh nghiệp nếu có sự ủy quyền bằng văn bản có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Kiến nghị sửa nhiều quy định của Luật Đất đai

Luật sư Trần Anh Đức, Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) đề xuất: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đã có hiệu lực từ tháng 7/2015 nhưng trên thực tế đã gặp phải khó khăn rất lớn trong việc xác định các ngành, nghề có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài vì những qui định không rõ ràng trong các hiệp định và trong các văn bản pháp luật.

Ông Đức kiến nghị, trong dự thảo Luật sắp được trình cần sửa đổi Luật Đất Đai để cho phép nước ngoài có thể trực tiếp nhận thế chấp đối với bất động sản hoặc ủy thác cho một ngân hàng tại Việt Nam nhận tài sản bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông này, thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới việc mua lại nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tới Việt Nam tìm hiểu và đều ra đi vì không thể mua nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Luật sư Trần Văn Trí, Điều hành Văn phòng Luật sư Fujica (Tp HCM), về quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi khoản 1, Điều 7 thành “Tự do lựa chọn và đăng ký kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm".

Ông này khẳng định, hiện thỏa thuận trước khi thành lập doanh nghiệp là rất phổ biến, song không có một quy định nào nói rõ các thỏa thuận như vậy có giá trị pháp lý hay không khi có tranh chấp phát sinh giữa các thành viên hoặc cổ đông. Vậy nên, thiết nghĩ cần quy định rõ việc này để giải quyết dứt điểm vấn đề vì hầu đại đa số các giao dịch M&A đều tồn tại thỏa thuận này.

"Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì DN được quyền kinh doanh các ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định. Trong quá trình hoạt động, DN được quyền chuyển đổi ngành nghề kinh doanh các ngành nghề chưa đăng ký nhưng phải hoàn tất thủ tục điều chỉnh ngành nghề theo quy định", ông Trí nhấn mạnh.

Theo ông Trí hiện trong quy định đối với những ngành nghề kinh doanh mà Luật chuyên ngành yêu cầu phải đăng ký cấp phép trước thì trong hồ sơ đăng ký thành lập phải có thêm bản sao Giấy phép đã được cấp.

Ông này khẳng định: Khi sửa Luật cần bổ sung Điều 23a liên quan đến hồ sơ đăng ký kinh doanh và nêu rõ, cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN hoặc DN nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký DN theo quy định.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm