Siêu lừa thuê 100 ô tô bán lấy tiền xài; tài sản Phan Sào Nam khó thu hồi

(Dân trí) - Tuần qua, sự việc đáng chú ý là 1 siêu lừa đảo đã bán 100 chiếc xe ô tô đi thuê khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản của Phan Sào Nam đã tẩu tán ở nước ngoài cũng thu hút được sự chú ý của bạn đọc.

Bà Nguyễn Thanh Phượng không nhận thù lao

Ngày 16/4 tới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 tại TPHCM.

Theo tờ trình được Ban tổ chức đại hội mà chủ tịch đoàn là bà Nguyễn Thanh Phượng – Chủ tịch HĐQT trình ra ĐHĐCĐ, HĐQT VCSC sẽ không nhận thù lao trong năm 2018.


Bà Nguyễn Thanh Phượng không nhận thù lao của Chứng khoán Bản Việt năm 2018

Bà Nguyễn Thanh Phượng không nhận thù lao của Chứng khoán Bản Việt năm 2018

Đồng thời đề xuất trích thù lao năm 2018 cho Ban Kiểm soát (3 người) là 180 triệu đồng/năm. Trong đó, Trưởng Ban Kiểm soát nhận mức thù lao 7 triệu đồng/tháng; thành viên Ban Kiểm soát nhận 4 triệu đồng/người/tháng.

HĐQT VCSC cũng đề xuất mức thưởng cho Ban Tổng Giám đốc năm 2018 là 8% trên phần lợi nhuận trước thuế (đã thực hiện) vượt 608 tỷ đồng.

Hồ Hùng Anh xin từ nhiệm chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan

Công ty CP Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) thông báo vừa nhận được đơn của ông Hồ Hùng Anh xin từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT cũng như thành viên HĐQT của MSN và có hiệu lực từ ngày 13/4.

Siêu lừa thuê 100 ô tô bán lấy tiền xài; tài sản Phan Sào Nam khó thu hồi - 2

Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/1, một số cá nhân đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của ngân hàng sẽ không được tham gia quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác. Điều khoản này nhằm hạn chế sở hữu chéo và hạn chế việc kiểm soát hoạt động từ các công ty “sân sau”.

Siêu lừa Lương Bằng: Thuê 100 ô tô bán lấy tiền xài

Vụ lừa 100 ô tô tự lái khiến hàng trăm người dân ở Hà Tĩnh "phát hoảng" khi bị lừa với chiêu trò cho thuê xe tự lái nhưng thực chất "mua xe giá rẻ". Đối tượng đã thuê ô tô của các công ty tại Hà Nội, sau đó đưa về Hà Tĩnh bán rẻ hoặc cho người dân thuê lại với số tiền từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/hộ.

Nguyễn Lương Bằng, 48 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cầm đầu. Dưới vỏ bọc là hợp đồng cho thuê xe tự lái. Đối tượng đã đã lừa đảo trót lọt gần 100 chiếc xe sau đó bỏ trốn.


Siêu lừa Lương Bằng bị bắt

Siêu lừa Lương Bằng bị bắt

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, trung tuần tháng 2/2018, tổ công tác Cục CSHS – Bộ Công an đã xác minh, bắt giữ đối tượng Nguyễn Lương Bằng (48 tuổi, HKTT tại phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về 2 hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo nội dung tố cáo đối tượng Nguyễn Lương Bằng, từ tháng 11/2014 đến tháng 12/2017, Bằng đã thuê của công ty này gần 50 xe ô tô tự lái và trả tiền thuê theo từng tháng. Sau khi thuê được xe, Bằng đã cho những người khác thuê lại để hưởng chênh lệch.

Tuy nhiên, quá trình kinh doanh, Bằng đã đem cầm cố, thế chấp 6 chiếc xe ô tô của Công ty Ngô Minh để lấy 3,9 tỷ đồng. Thậm chí đầu tháng 11/2017, Bằng đã bán chiếc ô tô CRV, BKS: 30A-972.59 cho ông Quang trú ở Lê Văn Lương, Hà Nội với giá 650 triệu đồng.

Miễn nhiệm ông Võ Thanh Hà ra khỏi Hội đồng quản trị Sabeco

Tổng Công ty CP Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/4. Theo nội dung dự kiến, Đại hội đồng cổ đông sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị với ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco.

Sabeco cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông tin về một số ứng cử viên để bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị.


Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco dự kiến sẽ được miễn nhiệm tại Đại hội cổ đông bất thường sắp tới

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco dự kiến sẽ được miễn nhiệm tại Đại hội cổ đông bất thường sắp tới

Ba ứng viên được đề cử vào HĐQT Sabeco đều mang quốc tịch nước ngoài, gồm: Ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore), hiện là Chủ tịch HĐQT Beer Group (công ty đang sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage).

Ông Tan Tiang Hing, Malcolm (quốc tịch Malaysia), hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken. Cuối cùng là ông Sunyaluck Chaikajornawat (quốc tịch Thái Lan), làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan).

Thu hồi tài sản của Phan Sào Nam như thế nào?

Theo luật sư Bùi Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ vào các quy định pháp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hồi được tài sản bất hợp pháp đã chuyển ra nước ngoài, trong đó có Singapore, bởi nước này và Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp.

“Trong vụ án này, tài sản có nguồn gốc là tài sản do phạm tội mà có. Do đó, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Căn cứ vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng; hiệp định tương trợ tư pháp, cơ quan điều tra sẽ lập hồ sơ ủy thác gửi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp của Singapore, trong đó có nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp”, luật sư này cho biết thêm.


Phan Sào Nam hiện đang bị tạm giam (Ảnh: Bộ Công an)

Phan Sào Nam hiện đang bị tạm giam (Ảnh: Bộ Công an)

Cũng theo luật sư Bùi Tuấn Anh: “Việt Nam sẽ yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của nhà nước Việt Nam. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo quy định tại khoản 5 điều 22 Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa nhóm nước ASEAN đã ký hiệp định.”

Trước lo ngại số tiền gửi sang Singapore sẽ tẩu tán sang các hình thức đầu tư bất động sản hay tài sản khác, luật sư Bùi Tuấn Anh cho rằng quốc gia được yêu cầu sẽ dựa trên cơ sở quy định của pháp luật sở tại để truy tìm, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có.

Ông Phạm Trung Cang sẽ làm Phó Chủ tịch Tân Đại Hưng

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (mã chứng khoán TPC) vừa công bố Nghị quyết thông qua thay đổi cơ cấu và nhân sự của HĐQT.

Theo đó, Tân Đại Hưng sẽ bổ sung thêm 1 chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Người được bầu là ông Phạm Trung Cang, đang là Thành viên HĐQT của công ty này.


Ông Phạm Trung Cang

Ông Phạm Trung Cang

Cơ cấu và nhân sự nêu trên sẽ được đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua, HĐQT Tân Đại Hưng sẽ có 7 thành viên, bao gồm 1 Chủ tịch HĐQT, 2 Phó Chủ tịch HĐQT và 4 Thành viên HĐQT.

Sinh năm 1954 tại Long An, ông Phạm Trung Cang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng từ năm 1993 đến năm 2007 và tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này đến giữa năm 2012, trước khi vướng vào vụ án tại ACB và Eximbank.

Thế Hưng

Siêu lừa thuê 100 ô tô bán lấy tiền xài; tài sản Phan Sào Nam khó thu hồi - 7