1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Siết” ô tô nhập: Các nước "khó tính", Việt Nam có cần như vậy?

(Dân trí) - Khi cánh cửa “mở toang”, hàng rào thuế quan không còn thì cũng là lúc cần phải “siết” chặt hơn hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật. Theo một số chuyên gia về ngoại thương, đó cũng là biện pháp thường thấy mà các nước “áp” đối với tất cả các mặt hàng của Việt Nam, chứ không riêng gì ô tô khi xuất khẩu.


Ô tô nhập khẩu bị siết mạnh thời gian qua (Ảnh minh họa)

Ô tô nhập khẩu bị siết mạnh thời gian qua (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn khắt khe hơn, không hẳn đã bất lợi cho người tiêu dùng

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 03/2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2017, trong đó đã làm rõ những vấn đề về kiểm tra chất lượng và môi trường đối với ô tô nhập khẩu.

Khi Nghị định 116 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn, thậm chí cho rằng đây là “nghịch lý” bởi các nước trên thế giới không có loại giấy tờ như Nghị định 116 yêu cầu.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng các tập đoàn ô tô thế giới có thể đáp ứng được các thủ tục theo yêu cầu. Việc các doanh nghiệp nước ngoài kêu khó khăn, khó đáp ứng được không chính xác.

Trên thực tế việc tìm kiếm các giấy tờ như Thông tư 03 tại 1 số nước là có cơ sở. Loại giấy chứng nhận chất lượng này vẫn được các quốc gia châu Âu phát hành mặc dù có thể mang những tên gọi khác nhau.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ô tô trong nước cũng cho rằng, các giấy tờ thủ tục như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, các loại giấy chứng nhận kiểu loại ô tô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ câu chuyện “ngắn hạn”.

Về dài hạn, khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất thì sẽ không còn chuyện khó khăn để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi các quy định về nhập khẩu chặt chẽ hơn, điều này sẽ hướng tới việc đảm bảo hơn quyền lợi cho người dân. Người tiêu dùng Việt Nam đã trải qua thời gian dài sử dụng xe hơi bị cắt đi nhiều tính năng, đã đến lúc họ cần được tiếp cận với tiêu huẩn chất lượng cao hơn.

Khi cánh cửa “mở toang”, hàng rào thuế quan không còn thì cũng là lúc cần phải “siết” chặt hơn hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật. Đó cũng là biện pháp các nước “áp” đối với tất cả các mặt hàng của Việt Nam, chứ không riêng gì ô tô khi xuất khẩu.

Rõ ràng, nếu nhìn ở góc độ người tiêu dùng lẫn lợi ích chung của quốc gia, về lâu dài Nghị định 116 rõ ràng là cần thiết.

Các nước “khó tính”, tại sao Việt Nam không được?

Trong các văn bản, quyết định về chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam, quan điểm xuyên suốt được khẳng định đây là “ngành công nghiệp rất quan trọng, cần được ưu tiên phát triển”.

Gần đây nhất, Nghị định 177/NĐ-CP năm 2014 chỉ rõ, phát triển công nghiệp ôtô “để góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng của đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phát biểu: “Một đất nước như chúng ta mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu ô tô là một sai lầm về mặt chính trị và kinh tế”.

Giả thiết, nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút hết các cơ sở sả xuất tại Việt Nam do thuế về 0%. Trong khi đó, cánh cửa thuế quan cũng như hàng rào tiêu chuẩn đều mở toang, nhập siêu của Việt Nam chắc hẳn sẽ tăng “khủng khiếp”, một loạt người lao động bị mất việc làm.

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm.

Mặc dù chưa thống kê chi tiết nào về số lượng lao động làm việc trong khâu sản xuất của ngành ô tô tại Việt Nam, nhưng có thể thấy mức độ ảnh hưởng rất lớn của ngành này nếu các cơ sở sản xuất trong nước phải đóng cửa trước làn sóng áp đảo của ô tô nhập khẩu.

Nhìn ra thế giới, Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố thành phố Gunsan của nước này đang ở trong tình trạng khủng hoảng về công nghiệp và việc làm do General Motors đóng cửa nhà máy.

Quyết định này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi hãng sản xuất ô tô của Mỹ General Motors tuyên bố sẽ đóng cửa một nhà máy tại đây, khiến gần 2.000 công nhân đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Trong thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trước toàn bộ người dân Hoa Kỳ, ông nói: “Tại Detroit, tôi đã cho dừng ngay các chỉ thị của Chính phủ đã làm lụn bại ngành chế tạo ô tô của Mỹ. Vì vậy chúng tôi có thể đưa thành phố chế tạo ô tô này (Motor City) phát triển mạnh trở lại.

Nhiều công ty ô tô đang xây dựng và mở rộng các nhà máy ở Mỹ, một điều mà chúng ta đã không nhìn thấy trong nhiều thập kỷ qua. Chrysler đang di chuyển một nhà máy lớn từ Mexico về Michigan. Toyota và Mazda đang xây dựng nhà máy ở Alabama. Các nhà máy sẽ sớm được mở ra trên khắp cả nước. Nhưng giờ đây, chúng đang quay trở lại. Sự phát triển sôi động đang diễn ra hàng ngày”.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, thống kê của Tổng cục Hải quan tính tới ngày 15/2/2018 cho biết, nhập khẩu linh kiện ô tô đạt kim ngạch là 332 triệu USD. Cùng kỳ năm 2017 là 387 triệuUSD. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn được giữ ở mức ổn định.

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi về lý thuyết, kể từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 0%, cơ hội để ô tô ngoại, sản xuất tại Thái Lan, Indonesia đổ bộ vào Việt Nam, nhấn chìm ngành sản xuất ô tô trong nước đã được dự báo trước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ô tô tiếp tục “tung” một loạt kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách để thông báo đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 ở thị trường này với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm.

Ford Việt Nam cũng không dấu giếm mục đích đẩy mạnh lắp ráp một số mẫu tại Việt Nam để đủ điều kiện được hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện dùng cho việc lắp ráp xe trong nước theo Nghị định 125 mới ban hành. Toyota Việt Nam cũng đang xem xét để lại quay lại lắp ráp Fortuner tại Việt Nam, sau khi đã dừng dây chuyển này để chuyển sang nhập khẩu ô tô Fortuner nguyên chiếc từ Indonesia.

Nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD, được Công ty Ô tô Trường Hải xây dựng trên diện tích 35 ha (trong đó hơn 12 ha nhà xưởng) tại Chu Lai, sẽ đi vào hoạt động trong cuối tháng 3/2018.

Như vậy cho thấy, thị trường đã và sẽ có rất nhiều lựa chọn từ xe lắp ráp trong nước với mức giá vừa phải. Tuy nhiên, nếu muốn thị trường xe hơi phát triển, các nhà sản xuất cũng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý người tiêu dùng. Bởi trước nay, thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu thay vì đồ “made in Viet Nam”.

Song song đó, người tiêu dùng cũng cần khắt khe hơn, một khi đã có cơ hội để tiếp cận với chuẩn chất lượng tốt hơn. Người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển nếu cũng dễ tính thì công nghiệp xe hơi đã không phát triển như ngày hôm nay.

H.Anh

“Siết” ô tô nhập: Các nước "khó tính", Việt Nam có cần như vậy? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm