Sẽ cơ cấu lại trên 68.000 tổ hợp tác trên cả nước

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng lại quy chế, tái cơ cấu hoạt động của các tổ chức hợp tác trên cả nước.

Theo Bộ KH&ĐT, báo cáo của 48/63 tỉnh, thành phố, năm 2016 cả nước có khoảng 68.400 tổ hợp tác, hơn 3.365 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động và 154 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã).

Bộ KH&ĐT đang đưa ra dự thảo Nghị định để thay đổi, cơ cấu lại vai trò và chức năng của các Tổ hợp tác trên cả nước.
Bộ KH&ĐT đang đưa ra dự thảo Nghị định để thay đổi, cơ cấu lại vai trò và chức năng của các Tổ hợp tác trên cả nước.

Tổ hợp tác đã thu hút gần 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 805.123 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 811 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 369 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 79 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, Bộ này nhận định tình hình chung quy mô tổ hợp tác còn nhỏ, vốn và tài sản ít; nhiều tổ hợp tác hoạt động không thường xuyên chỉ mang tính mùa vụ, tự phát, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở.

Bộ KH&ĐT nêu thực tế hiện các hợp tác xã trên cả nước đều có tổ chức thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, không bảo đảm tính ổn định, bền vững và mất vai trò tổ chức hội. Phần lớn các tổ hợp tác còn gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng, tiếp cận các quy định pháp luật do quy mô sản xuất của các tổ hợp tác nhỏ, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT hiện ít địa phương thực hiện thống kê, theo dõi tình hình về tổ hợp tác; chưa có sự phân biệt giữa tổ hợp tác có chứng thực và tổ hợp tác không chứng thực. Một số địa phương thống kê cả số tổ hợp tác chưa có chứng thực hoặc các câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích, nhóm liên kết (các nhóm, tổ hợp tác tập hợp vì mục đích trao đổi, giao lưu tìm hiểu thông tin hoặc chỉ thực hiện một hoạt động hoặc mục tiêu liên kết nhất thời); chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đến khu vực tổ hợp tác.

Bộ KH&ĐT khẳng định, các tổ hợp tác trên cả nước hiện được chứng thực hoạt động còn ít, do đó khiến hiệu quả hoạt động hạn chế. Báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương chưa phân biệt được giữa hợp tác được chứng thực bởi các cơ quan Nhà nước với tổ hợp tác chưa được chứng thực, dẫn đến hiệu quả hoạt động hạn chế. Nhiều tổ hợp tác chưa chứng thực đã khiến công tác quản lý khó khăn, nảy sinh những bất cập như: thu tiền của hội viên nhưng không có hoạt động cụ thể.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, nhiều tổ hợp tác hiện nay chỉ là những hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân có nhu cầu cùng nhau thực hiện một hoạt động đơn giản, nhất định (ví dụ hoạt động “mua chung”) để có lợi hơn so với thực hiện đơn lẻ. Sau khi đạt được mục đích thì hợp đồng hợp tác hết hiệu lực, do vậy không cần thiết phải thành lập tổ và chứng thực hợp đồng hợp tác.

Được biết, Dự thảo Nghị định trên nhằm mục đích điều chỉnh lại tổ chức, hoạt động của nhóm, tổ hợp tác trên cả nước. Điều này nhằm đảm bảo tập trung nguồn lực hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước tránh dàn trải, hỗ trợ được số lượng lớn dân cư và tạo tiền đề cho việc thành lập HTX.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm