1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bài cuối: “Cởi trói” cho hợp tác xã ở Việt Nam

Trước thực trạng yếu kém của các hợp tác xã (HTX), Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có những chính sách mang tính “cởi trói” để HTX được phát triển đúng chức năng, trong đó cần hiện thực hóa chính sách hỗ trợ HTX, phân bố đầu tư và hỗ trợ năng lực cán bộ HTX…

Số lượng HTX thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay

Vì còn rất nhiều hạn chế và yếu kém trong quá trình phát triển HTX ở Việt Nam nên số lượng HTX thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện có một số mô hình HTX thành công điển hình như HTX chăn nuôi Quý Hiền ở Lào Cai, HTX Bình Định tại Thái Bình, HTX Tân Cường ở Đồng Tháp, và HTX Bò sữa ở Sóc Trăng.

HTX Tân Cường ở Đồng Tháp là điển hình thành công của mô hình HTX kiểu mới
HTX Tân Cường ở Đồng Tháp là điển hình thành công của mô hình HTX kiểu mới

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Những mô hình này thành công là do HTX được thành lập dựa trên đúng nhu cầu thực tế của người dân và họ tự nguyện tham gia. Ngoài ra, họ còn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương như: hỗ trợ chính sách đất đai để có đất tập hợp nguyên liệu hoặc chế biến sản phẩm.

“Đa số các mô hình thành công đều có cán bộ HTX giỏi,” ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía Trung ương và địa phương. Ông Lê Đức Thịnh cho rằng: Trước hết, cần có khung pháp lý tách bạch HTX làm dịch vụ công ích địa phương với HTX làm dịch vụ kinh doanh vì xã viên để các HTX tự chủ. Cần có cơ chế nêu rõ HTX làm dịch vụ công ích thì đươc nhà nước hỗ trợ gì và HTX làm dịch vụ kinh doanh thì chính quyền không can thiệp.

Việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX, bao gồm cả năng lực của người quản lý và đội ngũ kỹ thuật, là nhu cầu rất bức thiết. Hiện, công tác đào tạo chưa hiệu quả vì chủ yếu thiên về lý thuyết mà chưa trang bị cho cán bộ HTX những kỹ năng về quản lý và kinh doanh.

Nói về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Hiện có nhiều người học kinh tế, quản trị kinh doanh ra trường nhưng không có việc làm, nên cần có chính sách để thu hút lực lượng này về làm lãnh đạo tại các HTX.

Trong khi đó, ông Lê Đức Thịnh lại có quan điểm khác: “Đào tạo cán bộ cho HTX tốt nhất là đào tạo từ nguồn là con em của nông dân cử ra hoặc người được cộng đồng tôn vinh. Hiện nay, nhiều kỹ sư và người được đào tạo bài bản chưa chắc làm được ở HTX vì họ không có uy tín với người dân nên nói dân không nghe.”

Nhà nước cần có cơ chế chính sách để HTX tiếp cận được vốn. Hiện nay Việt Nam có 40 qũy phát triển HTX, nhưng tiền đa số từ ngân sách các tỉnh đóng góp nên nguồn vốn rất hạn hẹp. Quỹ nên dùng để bảo lãnh cho HTX đi vay vốn thay vì cho vay thương mại như hiện nay. Nhà nước nên thành lập các chương trình tín dụng HTX để hỗ trợ tín dụng cho HTX nông nghiệp thông qua ưu đãi về lãi suất.

Để phát triển HTX, chính quyền địa phương cần vào cuộc bằng cách xây dựng các mô hình HTX điển hình để người dân học hỏi và làm theo thay vì chỉ hô hào khẩu hiệu.

Ngoài ra, cần phải cải tiến quản lý nhà nước về HTX, tránh tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), và Liên minh HTX như hiện nay.

Cần hiện thực hóa chính sách HTX

Theo ông Thịnh, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách về phát triển HTX như: Luật HTX, Nghị định 193 quy định chi tiết một số điều của Luật HTX,... Hiện có 6 nhóm chính sách hỗ trợ HTX và 5 nhóm cho HTX nông nghiệp như: hỗ trợ đào tạo, hạ tầng cơ sở, xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, và hỗ trợ đất đai cho HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng nhận định rằng: Việc triển khai các chính sách trong thực tế còn chậm. Theo quy định của Luật HTX, việc chuyển đổi từ HTX cũ sang HTX mới phải hoàn thành trước ngày 11/7/2016, nhưng hiện nay mới chỉ được 1.500 HTX chuyển đổi, trong đó 1.000 HTX nông nghiệp, tương đương 10% HTX được chuyển đổi.

“Việc chuyển đổi chậm vì vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn chính sách. Hơn nữa, Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp nhưng lại không phân bổ kinh phí để thực hiện,” ông Thịnh nói.

Để khắc phục những vướng mắc hiện nay, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định về HTX nông nghiệp. Theo dự kiến, trong Nghị định sẽ cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ HTX.

Bộ NN&PTNT đề xuất có khung pháp lý rõ ràng về môi trường kinh doanh cho HTX và hệ thống dịch vụ công ích cho HTX. Bộ cũng đề xuất bỏ giới hạn tỷ lệ kinh doanh ra ngoài xã viên tối đa là 32% để tạo điều kiện kinh doanh cho các HTX nông nghiệp.

Bộ cùng đề xuất phân tách chức năng nhiệm vụ giữa các ngành: Liên minh HTX làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quốc gia, đề xuất chính sách hỗ trợ vốn và tham mưu cho Chính phủ; Bộ NN&PTNT chỉ đạo địa phương vì Bộ có hệ thống từ trên Bộ xuống huyện và xã; Bộ KH& ĐT cấp chứng nhận đủ điều kiên kinh doanh.

Cần phân tách người cung cấp dịch vụ và quản lý dịch vụ nông nghiệp. Hiện nay, Liên minh HTX vừa đào tạo vừa đánh gía, vì thế nhiều khi chất lượng đào tạo không sát với yêu cầu của ngành nông nghiệp. Sắp tới, Bộ NN&PTNT cần có quyền đặt hàng cho các cơ sở đào tạo, và quản lý chất lượng đào tạo, ông Thịnh nói.

T.N