Kinh tế hợp tác là xu hướng nông nghiệp hiện đại:

Bài 1: Mô hình hợp tác xã là “bà đỡ” cho kinh tế nông hộ

Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng sản xuất nông nghiệp của VN vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; và điều này hạn chế khả năng sản xuất hàng hóa khối lượng lớn với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trước những khó khăn và thách thức của ngành nông nghiệp nước nhà, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng định hướng và giải pháp để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách phù hợp và hiệu quả. Sự ra đời của Nghị quyết TƯ 5 khóa IX về “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” đã thể hiện được định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vai trò của hợp tác xã (HTX).

Nông dân HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) phấn khởi tăng gia sản xuất (Ảnh: ND)
Nông dân HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) phấn khởi tăng gia sản xuất (Ảnh: ND)

Nhận định về vai trò của kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX trong phát triển nông nghiệp của nước ta hiện nay, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Trong thời đại ngày nay, nếu người nông dân (ND) vẫn làm ăn cá thể thì không thể phát triển được vì sản phẩm của họ không đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Nếu tập trung sản xuất theo quy mô HTX người ND sẽ được hướng dẫn sản xuất từ đầu vào, làm ra được hàng hóa chất lượng cao và bán được giá cao. Chỉ có làm như vậy chúng ta mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay với khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh,” GS Xuận nhận định.

Đồng quan điểm này, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) nói: “ HTX là mô hình hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế hộ gia đình. HTX và kinh tế hộ nông dân luôn đi kèm với nhau. Nếu có hộ ND mà không có HTX thì rất thiên lệch vì hộ ND có nhiều hoạt động không hiệu quả và HTX là bà đỡ lo các khâu cung ứng đầu vào, tìm đầu ra cho sản phẩm, tổ chức quản lý chất lượng nông sản.”

Trong kinh tế hợp tác, ngoài mô hình HTX còn có mô hình tổ hợp tác. Tuy nhiên, đây không phải là pháp nhân mà chỉ là một nhóm người hợp tác trên phương diện kỹ thuật. Mô hình này không cần nhiều ban bệ như HTX mà chỉ cần có tổ trưởng, ND cùng sản xuất theo đơn của DN.

Trong khi đó, mô hình HTX cần phải đăng ký pháp nhân, cần có ban chủ nhiệm HTX để điều hành hoạt động kinh doanh của HTX, tìm kiếm thị trường và lo đầu ra cho sản phẩm. Người nông dân tham gia HTX vẫn có quyền sở hữu đất của mình. Vì chủ yếu là người nghèo, không có khả năng làm thị trường, nên mỗi hộ ND chỉ đóng góp một khoản phí hội viên để tham gia liên kết sản xuất.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với nhiều ngành và địa phương là mô hình liên kết 4 nhà. Theo đó, DN ký kết hợp tác với HTX để cung cấp giống, vật tư đầu vào, đào tạo kỹ thuật canh tác cho ND, thu mua sản phẩm, chế biến và làm thương mại.

HTX vẫn bị “kỳ thị”

Tuy nhiên, nhìn về tổng quát thì HTX nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn còn yếu. Nhiều nơi, mô hình HTX còn rất mờ nhạt, hoạt động chưa hiệu quả, và người nông dân không mặn mà với việc tham gia HTX.

Nói về thực trạng này, ông Lê Đức Thịnh cho rằng: Một thời gian dài, sự thành công của kinh tế nông hộ đã lấn át sự chú ý tới kinh tế hợp tác. Đồng thời, mô hình HTX ngày xưa đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của HTX hiện đại.

“Chúng ta mất khoảng thời gian dài từ năm 1996- 2012 để cãi nhau về bản chất của HTX là gì. Vì không có khung pháp lý chuẩn nên lúc thì HTX được định hình như doanh nghiệp (DN), lúc thì coi HTX là tổ chức tương trợ, thậm chí còn có sự kỳ thị HTX. Lúc thì bắt ND phải nộp cổ phần, lúc lại bắt làm như dịch vụ công. Chúng ta không định hình được mô hình HTX là bà đỡ cho kinh tế hộ ND. Chỉ gần đây, kinh tế hộ ND khó khăn, chúng ta mới quay lại thảo luận từ đầu và khung pháp lý vẫn tiếp tục phải hoàn thiện,” ông Thịnh nói.

Suốt một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến HTX nên công tác đào tao và định hướng cho HTX rất yếu. Vì thế, năng lực của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, không có khả năng lập kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Vì không có đội ngũ lãnh đạo giỏi, nên tính tự chủ của HTX chưa cao. HTX ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào chính quyền, ngay cả phương án kinh doanh của HTX cũng phải báo cáo lên UBND xã và cần bí thư tỉnh ủy chỉ đạo.

Hơn nữa, hạ tầng và những điều kiện kinh doanh của HTX còn kém. Có một thời gian chúng ta bắt HTX phải lấy thu bù chi nhưng nguồn thu hạn hẹp này chỉ đủ trang trải các chi phí chứ không có nguồn lực cho tái đầu tư, nên mương máng nhiều nơi xập xệ. Trong khi đó, HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp.

“Mặc dù có rất nhiêu chính sách cho HTX nông nghiệp nhưng khả năng tiếp cận chính sách thấp nên tính thực thi không cao. Vì thế chưa tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển HTX”, ông Thịnh nói.

T.N

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm