1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sau ký kết, CPTPP vẫn để “ngỏ” khả năng Mỹ quay trở lại

(Dân trí) - Trong bối cảnh không còn sự tham gia của Hoa Kỳ, quy mô kinh tế của Hiệp định CPTPP không còn được như Hiệp định TPP, vì vậy lợi ích kinh tế đối với các nước tham gia, trong đó có Việt Nam không còn lớn như trước. CPTPP vẫn để ngỏ khả năng Hoa Kỳ quay trở lại.

Ngày 8/3 (giờ địa phương, tức rạng sáng ngày 9/3 giờ Hà Nội), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago – Chile. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Có thể nói, đây là thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP đạt được sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Suốt quá trình này, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng tháng 11/2017.

Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông…

11 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP TẠI Santiago - Chile ngày 8/3 (ảnh: AFP)
11 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP TẠI Santiago - Chile ngày 8/3 (ảnh: AFP)

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước… Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Trong bối cảnh không còn sự tham gia của Hoa Kỳ, quy mô kinh tế của Hiệp định CPTPP không còn được như Hiệp định TPP trước đây, vì vậy lợi ích kinh tế của Hiệp định này đối với các nước tham gia, trong đó có Việt Nam không còn lớn như trước.

Tuy nhiên, Hiệp định này vẫn mang lại những lợi ích đáng kể cho các nước thành viên. Hiệp định sẽ mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Với tiêu chuẩn cao và đặt ra những quy định cho các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước… Hiệp định này sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới.

Sau ký kết, các nước thành viên đều đồng thuận nhất trí Hiệp định CPTPP sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại và sự tham gia của các nước khác.

Trên thực tế, nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định CPTPP nên ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam.

Châu Như Quỳnh

Sau ký kết, CPTPP  vẫn để “ngỏ” khả năng Mỹ quay trở lại - 2