1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hà Nội:

Sau bão: Thực phẩm, rau xanh biến động không đáng kể

(Dân trí) - Cơn bão số 3 vừa đi qua với những trận mưa lớn gây ngập lụt hầu hết các tuyến phố nội thành Hà Nội. Tưởng chừng đó sẽ là cơ hội cho đợt “bão giá” mới của các sản phẩm tiêu dùng. Song theo khảo sát của PV Dân trí sáng nay (20/8), các mặt hàng thực phẩm, rau xanh biến động không đáng kể.

Mới đây, các tỉnh Bắc Bộ lại phải hứng chịu thêm những thiệt hại do cơn bão số 3 – bão Thần Sét gây ra. Ngoài các tỉnh phải chịu những tác động trực tiếp của cơn bão như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình,... thì những cơn mưa lớn kèm theo gió giật làm cho không ít những tuyến phố của Hà Nội phải “khổ sở” với tình trạng cây đổ, nước ngập.

Trước sự di chuyển khó khăn của giao thông sau bão, không ít người dân Thủ đô đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với cơn "bão giá" như thường thấy sau mỗi trận mưa bão. Tuy nhiên, khác với sự quan ngại của nhiều người dân, khảo sát của PV Dân trí tại một số chợ đầu mối cho thấy, giá cả hàng hóa ổn định đã làm cho rất nhiều bà nội trợ “thở phào nhẹ nhõm”.


Các loại rau có giá tăng mạnh nhất như: muống, dền cũng chỉ dao động không quá 2.000 đồng.

Các loại rau có giá tăng mạnh nhất như: muống, dền cũng chỉ dao động không quá 2.000 đồng.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, PV Dân trí đã làm một cuộc so sánh giữa giá cả của các mặt hàng thiết yếu như: rau, củ, quả; hàng tươi sống: thịt, cá và hàng khô trong những ngày trước và ngay sau bão. Kết quả cho thấy, không có sự chênh lệch lớn giữa các mặt hàng so với những ngày trước đó. Một số loại rau, củ chỉ tăng không đáng kể, từ 1.000 – 3.000 đồng tùy loại.

Cụ thể, so với những ngày trước bão, cải ngồng có giá 12.000 đồng/cân, tăng 2000 đồng; rau ngót, mùng tơi 5000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng. Các loại rau có giá tăng mạnh nhất như: muống, dền cũng chỉ dao động không quá 2.000 đồng.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng tươi sống như: các loại thịt có sự biến động nhẹ với mức tăng không đáng kể từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, các loại cá tươi vẫn giữ giá ổn định như trước.

Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng hàng tiêu dùng vẫn giữ giá ổn định do lượng tiêu thụ của hàng hóa tại những địa điểm này không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tác động của mưa bão.


Giá các mặt hàng tại siêu thị vẫn giữ ổn định. (Ảnh: Nhật Linh)

Giá các mặt hàng tại siêu thị vẫn giữ ổn định. (Ảnh: Nhật Linh)

Quản lý tại một số siêu thị lớn như: BigC; VinMart, Co.opmart cho biết: Sở dĩ không có sự biến động lớn trong giá các mặt hàng khi thời tiết bất ổn là bởi để chuẩn bị đối phó với mưa bão, khối lượng hàng nhập kho của siêu thị tăng. Do đó, nguồn cung hàng hóa và giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được đảm bảo, nên không có biến động lớn về giá.

Mặt khác, với quỹ thời gian hạn hẹp trong thời điểm hiện nay, người dân tại Thủ đô có xu hướng tiêu dùng tập trung vào siêu thị hoặc họ có thói quen đi chợ theo tuần nên tình trạng thời tiết xấu trong khoảng thời gian ngắn (1-2 ngày) cũng không có sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường nhật của họ.

Đồng quan điểm trên, chị Hương – một tiểu thương tại chợ Phùng Khoang chia sẻ: “Bởi thời gian mưa bão không kéo dài, tập trung chủ yếu trong một ngày (19/8) nên chưa ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung, hiện giá các loại thực phẩm tuy có sự dao động do mưa làm ảnh hưởng đến khả năng thu hoạch và vận chuyển nhưng vẫn giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, nếu tình trạng mưa bão tiếp tục kéo dài thêm 2-3 ngày nữa thì việc giá cả hàng hóa tăng là một điều không thể tránh khỏi do sự kham hiếm từ nguồn cung.”

Ngọc Trang