“Sản phẩm xuất khẩu thủy sản phải chiến lược, có giá trị cao”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN - ông Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị: “Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác” vừa tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Cá ngừ đại dương được ngư dân Nha Trang (Khánh Hòa) khai thác tại Trường Sa, Nhà giàn DK1... vào đầu năm nay
Cá ngừ đại dương được ngư dân Nha Trang (Khánh Hòa) khai thác tại Trường Sa, Nhà giàn DK1... vào đầu năm nay

Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 3,421 triệu tấn, tăng 5,7% so với năm 2016, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 3,221 tấn và khai thác nội địa đạt 200 nghìn tấn.

Hiện nay, lao động trực tiếp khai thác thủy sản gần 850.000 người, phần lớn chưa được đào tạo, chủ yếu do “cha truyền con nối”. Đến cuối năm ngoái, tổng số tàu cá trên cả nước là hơn 109.000 chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 250 đến dưới 400CV gần 10.000 chiếc (chiếm hơn 9%); tàu cá công suất từ 400CV trở lên là hơn 16.000 chiếc (chiếm hơn 14,6%).

Năm ngoái, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó hải sản khai thác đạt gần 2,8 tỷ USD, tập trung vào các mặt hàng như: cá ngừ, nhuyễn thể, cua, ghẹ, các loại cá biển khác.

Năm 2018, chỉ tiêu sản lượng khai thác thủy sản khoảng 3,3 triệu tấn trong tổng số 7,2-7,5 triệu tấn của toàn ngành thủy sản; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác là 3,3 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, tăng 18% so với năm ngoái.

Tại hội nghị: “Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác” vừa tổ chức đầu tháng 4/2018 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ trưởng Bộ NN&PTNN - ông Nguyễn Xuân Cường, cho rằng thủy sản nước ta giàu tiềm năng với bờ biển dài, có 5 ngư trường lớn, thị trường đa dạng với 160 nước… Nhưng thực tế đang tồn tại nhiều bất cập như: khai thác diện rộng, thiếu các phương tiện hiện đại, chuyên dùng. Công tác phân loại, bảo quản chưa tốt rất bất cấp tỷ lệ hao hụt đến 20-30%, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

“Phát triển thị trường nhanh nhưng nhỏ hẹp, đối phó, gây quản lý khó, bất ổn. Luật Thủy sản ra đời sẽ hướng nghề cá khai thác bền vững có trách nhiệm, hiệu quả hơn. Tôi cho rằng việc khai thác phải tổ chức chuỗi khép kín, có các sản phẩm chi phối thị trường thì mới bền vững”, Bộ trưởng Cường nói.

Theo các chuyên gia, công tác bảo quản hải sản hiện còn nhiều lạc hậu khiến tỷ lệ hao hụt đến 20-30%, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp
Theo các chuyên gia, công tác bảo quản hải sản hiện còn nhiều lạc hậu khiến tỷ lệ hao hụt đến 20-30%, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN nhìn nhận nước ta chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, cần nhìn vào đó để hướng cho người dân sản xuất các loại thủy sản có giá trị cao, giảm rủi ro. Sản phẩm phải chú trọng chế biển để đạt giá trị tối ưu nhất. Hội nhập với các nền kinh tế thì sản phẩm phải minh bạch, truy xuất nguồn gốc, ngư trường đánh bắt rõ ràng, đúng loài, đúng kích thước.

Bên cạnh đó, phải tập trung nuôi trồng, tái tạo quần thể sinh vật phù hợp, có quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ…

Theo Bộ trưởng, tại các thị trường xuất khẩu, cần xây dựng một số mặt hàng chiến lược, không cần quá nhiều; sản phẩm phải mang giá trị văn hóa, tài hoa của người Việt thì mới có giá trị cao.

Viết Hảo

“Sản phẩm xuất khẩu thủy sản phải chiến lược, có giá trị cao” - 3