Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
"Một số bộ, ngành vẫn có sự chây ỳ"
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí về cơ chế giám sát các thành viên Chính phủ khóa này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng Quốc hội đã có một số cải tiến trong giám sát Chính phủ, bộ máy Chính phủ đang hoạt động tích cực. Có bộ ngành có đột phá rõ rệt nhưng một số bộ, ngành khác, vẫn có sự chây ỳ.
Quốc hội đã có nhiều cải tiến để giám sát Chính phủ
Thưa ông, đến nay đã gần được một nửa nhiệm kỳ của Chính phủ khoá mới. Ở nhiệm kỳ trước, vẫn có ý kiến đánh giá cơ chế giám sát cán bộ khá lỏng lẻo nên mới có trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng xảy ra. Vậy ở nhiệm kỳ này, xin ông cho biết những đánh giá về cơ chế giám sát thành viên Chính phủ đạt hiệu quả ra sao?
Có thể nói là hoạt động tự kiểm tra, và giám sát đối với Chính phủ khoá này tốt hơn.
Trong đó, về hoạt động kiểm tra thì Chính phủ khoá này có đổi mới. Bên cạnh vai trò Thủ tướng rất xông xáo, quyết liệt, đi sâu vào vấn đề, kiểm soát được hệ thống, điểm mới là Thủ tướng đã thành lập ra tổ công tác, giao cho tổ đó thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là cơ chế tự kiểm soát ở trong hệ thống hành pháp mà nhiệm kỳ trước làm chưa tốt.
Tuy nhiên, công cụ tự kiểm soát trong cơ quan hành pháp là Thanh tra Chính phủ thì còn chậm chạp, chưa theo sát được diễn biến tình hình, lại không thích nghi được với sự xông xáo của Thủ tướng, tính năng động của Chính phủ khóa này.
Về kiểm soát bên ngoài, Quốc hội khóa này cũng đã có nhiều cải tiến để giám sát tốt hơn với hoạt động của Chính phủ. Cụ thể là đổi mới trong hoạt động nghị trường, khi Quốc hội tăng số lượng giám sát trực tiếp, là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thời lượng tăng lên.
Sinh khí trong nghị trường cũng khác, vai trò của đại biểu Quốc hội đã bắt đầu đi vào chiều sâu, vai trò chủ toạ linh hoạt hơn, đổi mới có tranh luận. Trước kia, hoạt động chất vấn chỉ đơn thuần là hỏi đáp thì giờ là có tranh luận, vấn đề được làm rõ hơn, mổ xẻ sâu sắc hơn.
Vai trò của đại biểu khoá này tích cực hơn, hoạt động không chỉ khép kín trong đoàn hay các uỷ ban của Quốc hội. Tiếng nói của đại biểu Quốc hội đã bắt đầu ngang tầm với vai trò đại diện của mình, không chỉ dừng lại ở địa phương mà họ đại diện mà còn là đại diện cả nước. Ngay tại kỳ họp này khi chất vấn bộ ngành liên quan tới vấn đề xã hội quan tâm, đại biểu địa phương này lại mang vấn để của địa phương khác ra minh chứng cho việc thực thi pháp luật, chất vấn. Điều cho thấy mối quan tâm của đại biểu rộng hơn, sứ mệnh mở rộng hơn.
Đại biểu Lê Thanh Vân luôn có những câu hỏi "khó" cho các Bộ trưởng
Trên thực tế, trong kỳ họp lần này, có nhiều vấn đề nóng ở các bộ ngành, như Bộ y tế có vụ việc VN Pharma, đã không được đưa ra chất vấn Bộ trưởng và cũng không được nêu ra để giám sát. Vậy có đảm bảo tính chặt chẽ trong hoạt động giám sát của Quốc hội với các thành viên Chính phủ hay không?
-Thực ra vấn đề nóng liên quan tới từng lĩnh vực Chính phủ có nhiều cách để giám sát, không phải tất cả các vấn đề nóng của xã hội đều đưa vào nghị trường, vào một phiên chất vấn mà đòi hỏi sự giám sát thường xuyên của cơ quan quốc hội.
Việc lựa chọn Bộ trưởng, trưởng ngành chất vấn là do thời gian có hạn, phải đáp ứng được mấy yêu cầu. Thứ nhất, phải là vấn đề nóng. Thứ hai, đảm bảo sự cân đối để thành viên Chính phủ khoá mới có cơ hội xuất hiện để Quốc hội sát hạch được năng lực quản lý điều hành. Đồng thời, cũng phải căn cứ vào mức độ quan trọng của vấn đề đưa ra chất vấn.
Ngoài lĩnh vực Quốc hội lựa chọn đưa ra chất vấn còn 1 loạt vấn đề khác đã được bộ trưởng trưởng ngành trả lời kỳ trước rồi. Kỳ này thực hiện lựa chọn người chất vấn theo cách tạo cơ hội cho Bộ trưởng, trưởng ngành chưa từng xuất hiện xuất hiện, cũng là dịp để quốc hội sát hạch. Phải cân đối hài hoà để cuối tất cả đều phải đăng đàn trả lời chất vấn, qua đó Quốc hội mới đánh giá được năng lực.
Năm 2018 theo quy định luật giám sát, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với thành viên Chính phủ. Rõ ràng, việc để lần lượt xuất hiện là cần thiết.
Tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta không thiếu gì cách giám sát, không phải nóng là đưa ra lặp đi lặp lại mà quan trọng là phỉa tăng cường vai trò giám sát thông qua hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội thấy vấn đề nóng thì giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn ngay hoặc chính Uỷ ban phải thấy vấn đề nóng để yêu cầu tăng cường số lượng phiên giải trình của thành viên Chính phủ.
Ngoài ra, chính đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội đều phải lập chương trình giám sát, tập trung vào vấn đề xã hội quan tâm. Có như vậy giám sát của Quốc hội vẫn hoạt động thường xuyên ngay cả khi Quốc hội không họp.
Bỏ phiếu tín nhiệm: Cũng có mặt tích cực và hạn chế
Thưa ông, nhiệm kỳ trước, có người nói cơ chế giám sát lỏng lẻo nhưng khi đó, Quốc hội đã có một số lần thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm trong khi ở nhiệm kỳ này chưa có lần nào. Người dân có thể cho rằng như vậy sẽ thiếu biện pháp giám sát. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Thực ra việc lấy phiếu tín nhiệm được thí nghiệm ở Quốc hội khóa 13, và ở 2 kỳ họp liên tiếp nhưng có mặt tích cực và hạn chế.
Mặt tích cực là bảo đảm được công cụ đo đếm thường xuyên đối với chức danh do Quốc hội bầu. Tuy nhiên, nó cũng tác động đến sự ổn định, tâm lý với lãnh đạo quản lý điều hành. Một người đứng đầu ngành mà thường xuyên bị đưa ra lấy phiếu tín nhiệm cũng tác động tới tâm lý, sự ổn định, tác động về dư luận.
Chính vì vậy mà Quốc hội đã cân nhắc kỹ và quy định vào luật là định kỳ mỗi khoá giữa kỳ giữa khóa sẽ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Đây là cơ sở đánh giá cán bộ, người đứng đầu bộ ngành, từ đấy mới đánh giá chỉ số tín nhiệm, quyết định đưa ra bỏ phiếu bãi nhiệm, thay thế hay không.
Lần này, quy định đó có sự đồng thuận cao khi ban chấp hành trung ương, đặc biệt Hội nghị trung ương 5 vừa rồi, đưa ra quy chế là có thể thay thế vị trí khi mà không đáp ứng tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật mà không phải đợi đến hết nhiệm kỳ. Đó là cộng hưởng tốt từ Đảng và Nhà nước.
Ông luôn tích cực trong phát biểu thảo luận tại hội trường cũng như tại các phiên họp tổ
Trong một số trường hợp, hiện nay vẫn có quy định cho phép tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bất thường, nhưng có vẻ nhưng việc bỏ phiếu bất thường ít được áp dụng?
-Đảng đã có chủ trương và luật giám sát quy định rồi, định kỳ là giữa khoá có bỏ phiếu định kỳ. Còn bỏ phiếu bất thường có thể diễn ra khi có tỷ lệ đại biểu yêu cầu hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc các Uỷ ban Quốc hội thấy rằng nhân vật đứng đầu bộ ngành nào đó mình theo dõi không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng công việc có thể trình ra Quốc hội xem xét.
Vấn đề là có đặt ra việc đó không còn tuỳ thuộc vào tính tích cực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội.
Có bộ ngành, tính chây ỳ còn diễn ra
Theo ông, cho tới thời điểm này, bộ ngành nào làm tốt và bộ ngành nào chưa đáp ứng yêu cầu?
-Theo đánh giá cá nhân tôi, hoạt động Chính phủ nói chung và bộ ngành nói riêng đang theo hướng tích cực nhưng có sự mất cân đối trong sự đột phá. Có bộ ngành đột phá rõ rệt, cómột số bộ ngành khác thì tính chây ỳ còn diễn ra.
Ví dụ như hoạt động thanh tra còn chậm so với yêu cầu hay tính năng động trong hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt, qua chất vấn hôm qua của Thống đốc cũng cho thấy điều đó. Hoạt động của ngành tài chính có thể đang có đổi mới và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang đi vào trọng tâm rõ rệt.
Còn nói chung nhiều bộ ngành khác chưa theo kịp vận động của Chính phủ, chưa theo kịp đòi hỏi, yêu cầu của Thủ tướng đặt ra, như thông điệp khi Thủ tướng nhậm chức là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.
Nhiều đại biểu cho rằng có hạn chế là đang có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, bên dưới chưa theo kịp chuyển biến bên trên. Đó là một thực tế mà Thủ tướng cần tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh.
Ở nhiệm kỳ trước khi qua giám sát, chất vấn hay thanh tra kiểm tra, ở 1 số bộ ngành đôi khi đại biểu truy khá quyết liệt, đặt câu hỏi gay gắt nhưng sau tất cả vẫn có trường hợp đến khi hết nhiệm kỳ rồi mới phát hiện ra hàng loạt vấn đề như trường hợp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Vậy, theo ông cần có giải pháp gì để xử lý nhanh ngay những sai phạm trong nhiệm kỳ điều hành chứ không phải đợi tới nghỉ hưu mới xử lý, cắt chức?
-Đây là câu hỏi liên quan tới kiểm soát quyền lực, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ chứ không phải chỉ là cơ chế giám sát. Để giám sát tốt nhân vật chính trị thì trước hết phải phân công quyền lực rạch ròi, quyền đến đâu giới hạn đến đâu, trách nhiệm đến đấy, phạm vi bộ ngành phụ trách đến đâu. Không thể có vùng chồng lấn đan xen để dễ dàng đổi lỗi, phải phân công rạch ròi lĩnh vực hoạt động, thẩm quyền để khi thực hành công vụ không thể thoái thác, lộng quyền.
Thứ 2, phải có cơ chế giám sát hữu hiệu từ bên trong, cơ chế tự kiểm tra kiểm soát trong nội bộ cơ quan nhà nước. Ở đây là vai trò kiểm tra kiểm soát của thủ trưởng cơ quan.
Còn về cơ chế kiểm soát bên ngoài là chịu sự kiểm soát của quốc hội phải triển khai đồng bộ, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bãi nhiệm.
Đối với cơ quan Quốc hội phải tăng cường kiểm tra giám sát theo chức năng, ngành lĩnh vực khi có biểu hiện trái pháp luật trong ban hành, thực thi thì phải có cảnh báo, vạch ra lằn ranh để uốn nắn.
Hơn nữa là giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, là hạt nhân cấu thành Quốc hội, thì phải tích cực hơn. Không nhất thiết 1 số tỷ lệ đại biểu đề nghị mới xem xét mà phải đổi mới là khi có đề xuất của đại biểu Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội xem xét, giải quyết.
Đặc biệt là vai trò điều phối của các cơ quan Quốc hội. Uỷ ban Quốc hội được giao nhiệm vụ phải tăng cường nhiệm vụ giám sát, điều hoà thực hiện tốt giúp các cơ quan quốc hội hoạt động nhịp nhàng làm sao để cho ngay cả thời điểm giữa 2 kỳ họp Quốc hội thì các cơ quan này vẫn có tác động, vai trò trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn ông
Mạnh Quân -Phương Dung (thực hiện)