1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam!

(Dân trí) - “Chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20 đến 25% GDP cả nước, đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước; chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh.

Sáng nay (9/1) tại TP Cần Thơ diễn ra Hội nghị “Thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vào vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ logistics và vận tải thủy khi có hệ thống đường thủy nội địa dày đặc, khoảng 14.826 km; có 2 tuyến kết nối với Campuchia và 5 tuyến kết nối với vùng Đông Nam Bộ và 4 tuyến kết nối nội vùng. Trong đó, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TPHCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu.

Chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng Cái Cui khai trương luồng biển trọng tải lớn vào cửa sông Hậu đi qua luồng Quan Chánh Bố ở Trà Vinh
Chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng Cái Cui khai trương luồng biển trọng tải lớn vào cửa sông Hậu đi qua luồng Quan Chánh Bố ở Trà Vinh

Tuy nhiên hiện tại có đến 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TPHCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, đến nay vùng ĐBSCL chưa có trung tâm logistics được công nhận nằm trong Quy hoạch theo Quyết định số 1012 năm 2015 của Thủ tướng.

Bộ Công Thương dự báo, lượng hàng qua cảng ĐBSCL từ nay đến 2030 là rất lớn, đến 2020 khoảng 25-28 triệu tấn/năm; đến năm 2030 từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm, vì vậy nhu cầu hoạt động của logistics là rất lớn.

Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, toàn vùng hiện có 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4000 bến thủy. Tuy vậy, năng lực các cảng biển hiện nay còn rất hạn chế; hệ thống logistics còn yếu kém. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng cần có một trung tâm logistics hạng 2 với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Hoạt động logistics bao gồm cơ sở hạ tầng (cảng, bến bãi, đường bộ, đường không, đường sắt); vận hành (kho bãi, trung tâm phân phối, xe tải, tàu, thuyền); dịch vụ (giao nhận hàng hóa, bốc xếp và hải quan). Mục tiêu của những hoạt động này là vận chuyển hàng hóa từ điểm khởi đầu đến điểm tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, trong tiến hình hội nhập kinh tế quốc tế.


Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại Hội nghị sáng nay (9/1).

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại Hội nghị sáng nay (9/1).

Theo thống kê, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng 15-20% ở các nước đang phát triển. Việc phát triển dịch vụ logistics cũng như giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20 đến 25% GDP cả nước, đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước; chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics trong vùng vẫn còn kém phát triển. Quy mô của các trung tâm logistics còn nhỏ và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển. Dịch vụ được cung cấp của các trung tâm logistics còn hạn chế; tính liên kết, kết nối trong hoạt động logistics còn yếu, nhiều thủ tục liên quan đến hoạt động logistics còn chưa hợp lý. Cơ sở hạ tầng phục vụ logistics còn nhỏ lẻ; năng lực quản trị, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp logistics chưa bắt kịp với sự phát triển chung và đáp ứng yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan tới hệ thống logistics gồm nhiều yếu tố về nhân lực, tài lực, vật lực. Nhà nước phải huy động nguồn lực để phát triển lĩnh vực này cũng như có hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất. “Đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nói.

Phạm Tâm