1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Doanh nghiệp ngại phản ánh vì sợ bị định kiến

(Dân trí) - Việc tiếp nhận ý kiến, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp góp phần đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh nền kinh tế, song theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có một thực tế là doanh nghiệp dù bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ.

Nghị quyết 19 thực hiện theo chuẩn quốc tế

Một trong chín mặt tồn tại, hạn chế nổi bật trong năm 2016 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương ngày 28/12 đó là xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm.

Theo đó, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60 và đứng ở vị trí thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2017, Nghị quyết 19 sẽ được ban hành sớm hơn. Nếu như những năm trước, nghị quyết này được ban hành vào khoảng tháng 3, tháng 4 thì năm 2017 sẽ cố gắng ban hành ngay từ đầu năm và vẫn giữ “thương hiệu” Nghị quyết 19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, việc đặt mục tiêu vào ASEAN-4 là một thách thức với Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, việc đặt mục tiêu vào ASEAN-4 là một thách thức với Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù Nghị quyết 19 là của Việt Nam nhưng hoàn toàn thực hiện theo chuẩn mực quốc tế. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh là rất quan trọng, theo Phó Thủ tướng, điều này không chỉ nhằm nâng hạng quốc gia mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động đàm phán thương mại, hội nhập quốc tế, tăng sức hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ghi nhận những kết quả thực hiện được trong suốt 3 năm qua kể từ khi có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra rằng, một số tiêu chí quan trọng, Việt Nam vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn như trong xếp hạng Doing Busines, tiêu chí “khởi sự kinh doanh” của Việt Nam chỉ đứng thứ 121; “thuế, bảo hiểm” dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, “giải quyết tranh chấp, phá sản” đứng thứ 125.

So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN-4 thì Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể. Bởi, trong khu vực, các chỉ số của Singapore đều rất cao, trong Top đầu thế giới.

“Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, có tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Việt Nam đặt mục tiêu thăng hạng 10 bậc về năng lực cạnh tranh năm 2017

Theo Phó Thủ tướng, để có thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chủ trương chính sách phải đi liền với thực thi, thế nhưng, trên thực tế, khoảng cách giữa văn bản và thực thi vẫn rất lớn.

“Nên tôi tha thiết mong các bộ, các ngành, địa phương bên dưới rút ngắn khoảng cách này. Thực tế cho thấy, mức độ vào cuộc của các bộ ngành vẫn còn hạn chế, chỉ mới có một số bộ, ngành và địa phương là thực sự quan tâm”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Trong công cuộc này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu. Ông dẫn chứng, sau 2 năm tranh luận thì tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã bãi bỏ được quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công. Đây được coi là món quà lớn nhất cho ngày doanh nhân Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho biết, trong năm 2017, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp như: khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải lên 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày có ngắn rút ngắn thêm 30 ngày. Đăng ký sở hữu tài sản từ 57,5 ngày còn 20 ngày, giải quyết tranh chấp từ 400 ngày rút xống 300 ngày, phá sản từ 60 ngày còn 30 ngày…

Về nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng Việt Nam theo xếp hạng của WEF từ 60 lên vị trí 50.

Liên quan đến Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng từ 74 lên 60, trong đó chú trọng cải thiện về nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông, vốn chỉ tốt so với yêu cầu cũ, để đáp ứng yêu cầu, khả năng tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng cho rằng, bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Theo Phó Thủ tướng cần lưu ý đến vấn đề tiếp nhận ý kiến, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, song ông chia sẻ rằng: “Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới”.

Theo Phó Thủ tướng, công khai, minh bạch là con đường tốt nhất để xây dựng Chính phủ liêm chính, trách nhiệm được chỉ rõ, kỷ cương phải tăng cường.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm