“Phép thử mới” cho đại gia ôtô ngoại: Ra đi hay ở lại?

(Dân trí) - Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công khẳng định nếu các doanh nghiệp FDI thấy các quy định mới về ô tô bất công thì hãy đầu tư lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá thay vì chỉ nhập khẩu rồi kiếm lợi nhuận nhanh trên thị trường Việt Nam.


Nghị định mới về ô tô đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều

Nghị định mới về ô tô đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều

Sau nhiều ý kiến trái chiều, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Nghị định 116 với những quy định, điều kiện, chặt chẽ được một số chuyên gia cho là giống như một “phép thử mới” của những nhà làm chính sách để tìm ra được ai mới là người tâm huyết, gắn bó lâu dài, đầu tư bài bản cho ngành công nghiệp ôtô Việt, cũng qua Nghị định sẽ biết rõ doanh nghiệp nào chỉ đơn thuần chỉ là tìm kiếm lợi nhuận, sẽ chuyển sang nhập khẩu khi thuế nhập khẩu ôtô về 0% kể từ đầu năm 2018.

VAMA phản đối vì sao?

Giới kinh tế vẫn hay nói muốn ngành kinh tế nào phát triển thì phải có những nhà hoạch định chính sách thông minh. Nghị định 116 chặt chẽ, chi tiết và ra điều kiện với doanh nghiệp để bắt buộc họ phải vào khuôn khổ, làm ăn bài bản ở Việt Nam hơn. Hiện đại, chặt chẽ, Nghị định 116 được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mới đưa ngành công nghiệp ôtô Việt đi đúng hướng.

Tuy nhiên, Nghị định 116 vừa ra đời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) đã liên tiếp gửi kiến nghị liên quan đến Nghị định 116, lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh.

Điều đáng nói là trước đây trong giai đoạn đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định 116, VAMA đã ủng hộ rất tích cực nhằm thiết lập lại thị trường ôtô Việt. Tại sao VAMA lại thay đổi 180 độ trong quan điểm về Nghị định 116? Phải chăng các doanh nghiệp trong VAMA đang toan tính, chờ đợi “mốc định mệnh” năm 2018 đang tới gần.

Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong VAMA lại cho rằng họ không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, VAMA cũng cho rằng không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu, cộng thêm đó là tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng.

Với yêu cầu đường thử tổng chiều dài 800m, VAMA lấy lý do: “Thời điểm hiện tại, không có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116”. Do đó, hiệp hội này đề xuất lên Bộ Công Thương: “Không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay”.

Ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch Thaco, kiêm Phó chủ tịch VAMA cho biết trước đây chính chủ tịch VAMA đã ủng hộ tích cực cho Nghị định ra đời nhưng giờ lại gửi công văn phản ứng. Ông Kha bày tỏ ý không đồng thuận với kiến nghị trên của VAMA.

Ông Kha cho rằng, tất cả các xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu một kiểu loại ôtô phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.

Đối với yêu cầu cung cấp “Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”, quy định này nhằm kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô chưa qua sử dụng để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu, hạn chế ôtô kém chất lượng từ nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Việc chạy thử xe sau khi sản xuất, lắp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe đạt chất lượng trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng.

"Việc đầu tư làm đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử thể hiện việc gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong tình hình thuế nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sẽ hướng đến nhập khẩu nguyên chiếc hơn là chú trọng sản xuất, lắp ráp, ảnh hưởng đến công việc của người lao động, nguồn thu của ngân sách”, ông Kha thẳng thắn.

Sau kiến nghị của VAMA

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho biết, hiện đang có một số doanh nghiệp FDI kêu phân biệt đối xử, ưu tiên trong nước song ông khẳng định Nghị định 116 đã thoả mãn, dung hoà được lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, quyền lợi người tiêu dùng, không có ưu đãi nào riêng cho doanh nghiệp nội địa.

“Phép thử mới” cho đại gia ôtô ngoại: Ra đi hay ở lại? - 2

“Doanh nghiệp FDI kêu phân biệt đối xử, chính sách chỉ dành cho các doanh nghiệp nội địa. Vậy các doanh nghiệp FDI sao không đầu tư đi, làm nhà máy, mở rộng sản xuất để lấy ưu đãi như vậy. Bản chất là họ không muốn sản xuất mà chỉ muốn nhập khẩu, bán nhanh lấy lợi nhuận và điều đó không được Chính phủ ưu tiên theo chiến lược phát triển sản xuất tại Việt Nam, không khuyến khích nhập khẩu nhiều”, ông Lê Ngọc Đức thẳng thắn nói.

Về Giấy chứng nhận kiểu loại, ông Đức lấy ví dụ ngay ở công ty mình. Hiện Hyundai Thành Công đang có tham vọng xuất khẩu xe ra thế giới. Theo đó, công ty cũng phải đối mặt với các quy định chặt chẽ ở các thị trường nhắm đến để bán được hàng.

“Không thể bắt nước sở tại đưa ra quy định để mình bán được hàng có sẵn. Nếu không có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước tại nước sản xuất xe, chúng tôi xác định đưa sản phẩm đi kiểm định tại các tổ chức quốc tế được công nhận để đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu”, ông Đức nói.

Ngoài ra ông Đức cũng cho rằng, yêu cầu đường thử 800 mét không quá khắt khe khi nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô ở nước ngoài, đường thử lên tới vài km với nhiều địa hình phức tạp hơn.

Ông Trần Bá Dương -Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) từng nói: “Các liên doanh họ đến Việt Nam mục đích là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Khi yếu tố này bị đe doạ thì việc họ rời đi có những lý do riêng. Nếu thuế bằng 0%, Thái Lan tốt hơn thì họ sang đó làm, chứ ở Việt Nam làm gì. Còn tôi, tôi là người Việt Nam, dù tốt xấu thế nào thì tôi vẫn cứ làm, vẫn tâm huyết phát triển công nghiệp ôtô để góp phần đóng góp dài hạn cho nền kinh tế”. Ông Dương nói câu này trong bối cảnh chính sách phát triển công nghiệp ôtô đứng trước nhiều thay đổi, song vị doanh nhân vẫn tâm huyết, quyết tâm đầu tư lớn, bài bản cho công nghiệp ôtô Việt.

Anh Thư

“Phép thử mới” cho đại gia ôtô ngoại: Ra đi hay ở lại? - 3