“Ô tô giảm giá mạnh, người tiêu dùng vui mừng nhưng doanh nghiệp nhiều mối lo”
(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Công Thương, đối với người tiêu dùng, khi giá thành ô tô trở nên rẻ hơn thì ai ai cũng đều vui mừng nhưng ngược lại, với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì sẽ có nhiều mối lo. Do đó, trước 1/5/2017, bộ này sẽ có báo cáo lên Chính phủ biện pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (3/4), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân khiến nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng mạnh thời gian đây chủ yếu do hiệu ứng giảm thuế theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo đó, từ 1/1/2018, thuế với ô tô từ 9 chỗ trở xuống nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ giảm về bằng 0. Riêng 2016, mức thuế đã giảm từ 40% đến 30%, tuy mới chỉ giảm 10% song đã tác động mạnh mẽ lên thị trường ô tô trong nước.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/3, đã có hơn 21.700 ô tô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam, riêng xe con đạt hơn 14.400 chiếc (chiếm hơn 66% tổng lượng nhập). Giá bình quân khai báo hải quan là gần 400 triệu đồng/xe, trong đó xe con chỉ là hơn 315 triệu đồng/xe.
Lượng nhập sau 4 năm (tháng 3/2013 - 3/2017) đã tăng gấp 3,8 lần, đạt hơn 16.000 chiếc, riêng xe con, tốc độ tăng nhanh hơn đạt 4,5 lần, lượng nhập đạt hơn 11.200 chiếc. Mức giá bình quân/xe nhập sau 4 năm trước (2013) đã giảm từ 458 triệu đồng/chiếc (2013) xuống còn 399 triệu đồng/chiếc (giảm 59 triệu đồng/chiếc).
Còn theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 3, cả nước nhập khẩu hơn 13.000 ô tô nguyên chiếc, tổng giá trị nhập khẩu đạt 150 triệu USD. Đơn giá bình quân là khoảng 263 triệu đồng/xe. Như vậy lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 3 đã tăng rất mạnh, gấp 1,6 lần so với tháng 2 và gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đối với người tiêu dùng, khi giá thành ô tô trở nên rẻ hơn thì ai ai cũng đều sẽ vui mừng nhưng ngược lại, với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì sẽ có nhiều mối lo.
Để giải quyết hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và của doanh nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học công nghệ… thành lập tổ công tác liên ngành, gặp gỡ các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đã tính đến việc trong điều kiện cho phép, phù hợp với quy định của WTO và các hiệp định FTA thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực để không để xảy ra vi phạm những thỏa thuận này, để có thể duy trì một phần thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích của người tiêu dùng”, ông Hải cho hay.
Người phát ngôn của Bộ Công Thương cũng khẳng định, trước ngày 1/5/2017 sẽ có báo cáo Chính phủ về những biện pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Bích Diệp