Nhìn thẳng vào những "góc khuất" trên con đường hội nhập của Việt Nam

(Dân trí) - Hội nhập là điều tất yếu và là lựa chọn cần thiết của Việt Nam trên con đường phát triển. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, có những mặt trái cần được thẳng thắn nhìn nhận lại, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dù nhiều nuối tiếc nhưng phải khắc phục.

Phát biểu tại phiên đối thoại với Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 14 - 15/4/2016, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Việc gia nhập WTO cách đây 10 năm là một trong hai dấu mốc quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tư do hóa thương mại của Việt Nam.

Theo đó, WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp luật, thể chế chính sách về kinh tế thương mại đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Việc gia nhập WTO là sức ép để Việt Nam sửa đổi, điều chỉnh khung khổ pháp luật, chính sách thương mại, đầu tư từ “theo nhu cầu quản lý” của Việt Nam sang “tuân thủ các tiêu chuẩn” của thế giới (thể hiện trong các Hiệp định của WTO).

Cụ thể, trong 2 năm liền trước và liền sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Quốc hội Việt Nam đã sửa trên 60 luật để thực thi cam kết WTO, hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi. Kết quả là pháp luật kinh doanh ở Việt Nam đã có một diện mạo mới cùng với những thay đổi về chất nhờ WTO.


Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Gia nhập WTO đồng thời cũng là động lực để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý Nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý Nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, với việc gia nhập WTO và nhu cầu cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư tận dụng cơ hội từ WTO đã trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cải cách theo hướng minh bạch hóa, thuận lợi hóa và nhấn mạnh yếu tố hiệu quả trong vận hành bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, có rất nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ trên chuyến tàu WTO của Việt Nam. Trước hết, cơ hội tăng trưởng không đạt được kỳ vọng.

Tăng trưởng GDP 5 năm 2006 - 2010 đạt 7%, 2011 - 2015 là 5,88%, mặc dù vẫn là cao với thế giới nhưng rõ ràng là thấp hơn so với chính Việt Nam thời kỳ hội nhập hạn chế hơn trước đó (thấp so với 7,51% của giai đoạn 2001 - 2005, thậm chí thấp so với 7% của giai đoạn 1996 - 2000).

Vậy phải chăng, thể chế kinh tế và công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam còn chưa theo kịp yêu cầu hội nhập (khi nền kinh tế trở nên mỏng manh hơn trước các tác động của kinh tế toàn cầu)? - ông Lộc nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, kể từ sau gia nhập WTO, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, tăng trưởng bình quân của khu vực nông nghiệp năm 2007 - 2011 là 3,4%/năm, 2011 - 2015 là 3,1% (thậm chí năm 2015 mức tăng trưởng là thấp nhất, chỉ 2,21%) - trong khi đó tăng trưởng của ngành này giai đoạn 2001 - 2006 trước WTO là 4 %.

Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trên chuyến tàu WTO
Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trên chuyến tàu WTO

Vậy phải chăng, nhóm đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội dường như đã không được lợi hoặc đang chịu áp lực lớn từ hội nhập? - vị Chủ tịch VCCI băn khoăn.

Một vấn đề nữa cũng được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra với đại diện WTO, đó là cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam "có vấn đề" với việc gia nhập WTO.

Theo đó, mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, nông nghiệp, gia công thâm dụng lao động (chỉ mang tính gia công theo đơn đặt hàng, sản xuất hộ và sử dụng nhiều lao động giá rẻ); nhập siêu lớn và tăng mạnh trong thời kỳ sau WTO

Vậy phải chăng, xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng thấp, dựa trên các lợi thế không bền vững, không tạo động lực cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã cho thấy các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội của WTO?

"Đó là những điều mà chúng tôi nuối tiếc" - ông Lộc cho hay.

Chuyến thăm kéo dài hai ngày của Tổng giám đốc Roberto Azevêdo đánh dấu lần đầu tiên một tổng giám đốc WTO thăm chính thức Việt Nam (chuyến thăm năm 2006 của ông Pascal Lamy là để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC được tổ chức tại Việt Nam).

Bích Diệp

Nhìn thẳng vào những "góc khuất" trên con đường hội nhập của Việt Nam - 3