Người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm vì môi trường

(Dân trí) - “Hơn 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội”

Đó là những con số do Giám đốc Nielsen Việt Nam, bà Đặng Thúy Hà đưa ra trong Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương hiệu” diễn ra sáng nay (21/6) tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận về xu hướng tiêu dùng, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó giúp doanh nghiệp (DN) tìm ra hướng đi phù hợp cho phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo bà Đặng Thúy Hà: “Hiện nay, khi được hỏi, 80 – 90% người Việt nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác.”

“Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng trở thành người tiêu dùng thông minh. Khi lựa chọn, họ kỳ vọng vào những sản phẩm có chất lượng tốt, uy tín; mang đến những giá trị đích thực; đảm bảo sức khỏe tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn; sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu thiên nhiên để đáp ứng vấn đề sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường; trao cho người tiêu dùng nhiều hơn sự trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm… cùng với đó, phải đẩy mạnh việc tương tác với khách hàng, đảm bảo yếu tố 3R (chạm – tiếp nhận – phản ứng của khách hàng).”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà bật mí: “Hơn 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội”

Chia sẻ về vấn đề phát triển thương hiệu, Tiến sỹ Declan P Bannon, đang làm việc ở Đại học Anh, tại Việt Nam cho rằng: “Để làm được việc này các DN Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu: Điều gì khiến người tiêu dùng cảm thấy dễ dàng hơn, giàu có hơn, an toàn hơn, tốt hơn hay hạnh phúc hơn? Những thị trường nào hấp dẫn?...

“Tiếp đó, xác định mục tiêu nghiên cứu mục tiêu của mình để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của DN”, ông Bannon nói.

Tuy nhiên, ông Bannon còn khẳng định: “Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn khi bán hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm không thể có chất lượng kém.”

Từ việc xây dựng thương hiệu tốt, sẽ giúp bán hàng cấp trung và lựa chọn của người tiêu dùng thông qua sự phổ biến. Nếu người tiêu dùng vui mừng với sản phẩm có chất lượng có chức năng, họ sẽ mua tiếp. Khi được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm chất lượng bậc trung kết hợp với xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp xây dựng thương hiệu trở thành sản phẩm mong muốn.

Có mặt tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia tổng kết: “Chương trình được ra đời từ năm 2003 nhằm mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Qua đó, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.”, ông Lang nhấn mạnh.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm