Ngân hàng Việt Á cứu Vàng Phước Sơn hay cứu mình?

Ngân hàng Việt Á cuối cùng đã đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế khổng lồ để Công ty Vàng Phước Sơn hoạt động trở lại. Điều gì đã khiến một ngân hàng nhỏ ra tay “cứu” một công ty đang ngập trong nợ nần.

Ngày 17/8/2016 vừa qua, Besra Gold Inc có trụ sở chính tại Auckland, New Zealand đã tuyên bố tái khởi động hoạt động khai thác mỏ vàng Phước Sơn ở Quảng Nam. Sự kiện trên đã chấm dứt đúng hai năm mỏ vàng này bị niêm phong, do Công ty Vàng Phước Sơn, công ty con của Besra Gold Inc, không trả được khoản nợ thuế xấp xỉ 300 tỷ đồng cho Chi cục Thuế tỉnh Quảng Nam.

Ngân hàng Việt Á cứu Vàng Phước Sơn hay cứu mình? - 1

Quyết định bảo lãnh

Nhưng việc Besra Gold Inc tái khởi động lại hoạt động khai thác vàng tại Phước Sơn không có nghĩa là công ty này đã trả hết được khoản nợ thuế nói trên. Thực tế, để được hoạt động trở lại, Besra đã phải nhờ tới sự bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á với cam kết rằng, khoản nợ hơn 300 tỷ đồng đó sẽ được trả trong vòng 12 tháng. Nếu Công ty Vàng Phước Sơn không trả được nợ thì Ngân hàng Việt Á sẽ phải đứng ra trả nợ thay.

“Công ty [Besra] chỉ có thể hoạt động trở lại với sự hỗ trợ của ngân hàng địa phương, Ngân hàng Việt Á đã đứng ra bảo lãnh khoản nợ với chi cục thuế địa phương”, ông John Seton, Giám đốc điều hành của Besra xác nhận.

Ngoài sự bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á, ông Seton cũng cho biết, Công ty cổ phần Vàng Việt Á (VACO) đã cung cấp một lượng vốn cần thiết để giúp khôi phục lại hoạt động và trả nợ các đối tác khác.

Nếu nhìn vào tình trạng tài chính của Besra nói chung và Vàng Phước Sơn nói riêng thì quyết định bảo lãnh của Việt Á có vẻ khá mạo hiểm. Theo báo cáo của Công ty Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, công ty đang sở hữu 15% cổ phần ở Vàng Phước Sơn, tính tới ngày 30/6/2014 lỗ lũy kế của Công ty Vàng Phước Sơn đã ở mức gần 16 triệu USD, nợ ngắn hạn là hơn 60,5 triệu USD.

Có thể Ngân hàng Việt Á tin tưởng vào khả năng trả nợ của Vàng Phước Sơn nhờ thị trường vàng quốc tế đang sôi động trở lại

Thực tế thì khôi phục lại hoạt động của mỏ vàng Phước Sơn có lẽ là phương án tốt nhất cho Besra và cho cả cơ quan thuế địa phương. Nhưng tại sao một ngân hàng nhỏ như Việt Á lại sẵn sàng đứng ra bảo lãnh khoản nợ hơn 300 tỷ đồng cho Vàng Phước Sơn, trong khi nhiều ngân hàng lớn hơn lại quay lưng?

Hơn thế nữa, Công ty cổ phần Vàng Việt Á cũng là đối tác chính tham gia vào tái cơ cấu Vàng Phước Sơn bằng cách mua 35% cổ phần của công ty này, giảm số cổ phần mà Besra nắm giữ tại Vàng Phước Sơn xuống còn 50%. Số cổ phần còn lại do một công ty thuộc tỉnh Quảng Nam nắm giữ.

Việt Á cứu chính mình?

Để trả lời câu hỏi này, phải quay lại thời điểm cách đây ba năm. Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, năm 2013 Ngân hàng Việt Á và Công ty Vàng Phước Sơn đã cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Cùng lúc, Ngân hàng Việt Á cũng đã ký kết một hợp đồng tín dụng với Vàng Phước Sơn có hạn mức là 18 triệu USD.

Như vậy, khoản tiền mà Ngân hàng Việt Á cho Vàng Phước Sơn vay là không hề nhỏ, đặc biệt với một ngân hàng còn ở quy mô nhỏ như Việt Á. Điều đáng nói là chỉ một thời gian ngắn sau khi Việt Á cho Vàng Phước Sơn vay, giá vàng thế giới rớt mạnh và công ty vàng này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khả năng trả nợ của công ty càng ngày càng trở nên mờ mịt hơn khi tỉnh Quảng Nam quyết định đình chỉ hoạt động khai thác vàng của công ty từ năm 2014 do không trả được khoản nợ thuế khoảng 300 tỷ đồng.

Vàng Phước Sơn không được khai thác vàng có nghĩa Việt Á sẽ không thể thu hồi nợ được. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chính quyền địa phương tuyên bố sẽ thu hồi giấy phép của Vàng Phước Sơn hồi tháng Bảy vừa qua, dù lúc đó Công ty Vàng Việt Á đã nắm 35% cổ phần của Vàng Phước Sơn. Đến lúc này, buộc ngân hàng phải đưa ra quyết định táo bạo là đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế cho Vàng Phước Sơn hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, có thể Ngân hàng Việt Á tin tưởng vào khả năng trả nợ của Vàng Phước Sơn nhờ thị trường vàng quốc tế đang sôi động trở lại. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng thế giới đã tăng 15% trong quý II năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II năm nay, nhu cầu vàng đã tăng lên 1.050 tấn, so với 910 tấn của quý II năm 2015. Kéo theo đó là giá vàng ở Mỹ đã tăng 25%, mức tăng cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 1980, theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới.

Nguyên nhân là các nhà đầu tư trên thế giới đang nhắm tới một khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh nước Anh rút khỏi EU, cộng với diễn biến khó lường của cuộc bầu cử tại Mỹ và tình trạng bất ổn của hệ thống ngân hàng Italia. Ngoài ra, sự bất ổn tại Trung Đông cũng khiến nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào vàng hơn.

Như vậy, sự hồi phục của giá vàng thế giới sẽ tạo điều kiện cho Vàng Phước Sơn trở lại hoạt động tốt hơn và khả năng trả nợ của công ty này cũng khả thi hơn. Có như vậy, Việt Á cũng mới có thể thu hồi lại được khoản tiền đã cho Vàng Phước Sơn vay trước đó

Theo Ngọc Linh
Diễn đàn Doanh nghiệp