Ngân hàng "rót" hơn 30 tỷ USD vào thị trường trái phiếu
(Dân trí) - Các ngân hàng thương mại nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường, còn lại là các nhà đầu tư có tổ chức như công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán.
Báo cáo tại buổi họp báo chuyên đề về thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính cho biết, tính tới 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu Chính phủ là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015.
Về quy mô thị trường, tại thời điểm 14/8/2015, dư nợ thị trường trái phiếu là 867.876 tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), đạt khoảng 22% GDP năm 2014, riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.
Trong trung hạn, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 20120, trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt 22% GDP, thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 8% GDP.
Về cơ cấu nhà đầu tư bao gồm các ngân hàng thương mại nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường, còn lại là các nhà đầu tư có tổ chức như công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán.
Như vậy, có thể thấy lượng trái phiếu do ngân hàng nắm giữ vào khoảng 694.200 tỷ đồng, tương đương hơn 30 tỷ USD tính trên tổng dư nợ hiện tại.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính, trên thị trường trái phiếu, hệ thống ngân hàng thương mại đóng vai trò chủ chốt. Điểm này giống với các nước trong khu vực như Malaysia hay Singapore bởi chưa có nhà đầu tư dài hạn như quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí.
Về kế hoạch huy động trái phiếu đạt thấp so với kỳ vọng, bà Hiền cho rằng, nhà đầu tư không mặn mà là do lượng cung có kỳ hạn từ 5 năm trở lên trong khi các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn nên cầu không lớn. Tuy nhiên, theo bà Hiền, sự tham gia có sự sụt giảm nhưng tính tổng thể thì số liệu 80% vẫn giữ nguyên, không thay đổi lớn.
Phương Dung