1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn khó thành

(Dân trí) - Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường hiện đang ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Sau khi duy trì khá ổn định trong tháng 7, đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) vừa và nhỏ tăng nhẹ lãi suất huy động 0,1% - 0,5%/năm ở các kỳ hạn.

Tại báo cáo vĩ mô vừa được phát hành, Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng, động thái này có thể lý giải nhằm tăng sức cạnh tranh thu hút người gửi tiền trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tăng trưởng huy động và có thể còn tiếp tục gia tốc tốt hơn về cuối năm theo yếu tố mùa vụ. Thêm vào đó là áp lực từ những biến động tỷ giá trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi nhìn chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không thay đổi so với giai đoạn trước. Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4% - 5,5%/năm, trong khi đó với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất dao động trong khoảng 5% - 7,2%/năm.

Lãi suất huy động đã tăng ở một số ngân hàng
Lãi suất huy động đã tăng ở một số ngân hàng

Theo quan sát của VCBS, do đặc thù thường biến động sau lãi suất huy động một thời gian tương đối và lãi suất huy động tuy có dấu hiệu tăng nhưng mới chỉ ở một số nhóm ngân hàng nên lãi suất cho vay vẫn khá ổn định và duy trì mặt bằng như cuối tháng 7.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6% -7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Việc lạm phát và kỳ vọng lạm phát ở mức thấp có thể là một yếu tố giúp ổn định mặt bằng lãi suất song theo VCBS, yếu tố này không tạo ra sự hỗ trợ mạnh mẽ. Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp có một phần rất lớn đến từ việc giá cả hàng hóa nguyên liệu giảm mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu. Diễn biến này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ. Theo đó, khi cân nhắc thêm yếu tố về sự hấp dẫn tương quan giữa đồng bản tệ và ngoại tệ thì việc lạm phát ở mức thấp sẽ khó có thể là một điểm tựa mạnh cho việc duy trì lãi suất VND thấp.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh việc tăng trưởng tín dụng khởi sắc và nhanh hơn tăng trưởng huy động, sức ép lớn nhất cho lãi suất VND đến từ rủi ro biến động lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt là quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Việc tăng lãi suất ở Mỹ được nhìn nhận như một cú sốc mạnh từ bên ngoài. Nếu FED quyết định tăng lãi suất vào cuối năm nay (tháng 12) thì trần lãi suất huy động 5,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng vẫn sẽ được đảm bảo đến hết năm 2015. Trong khi đó, mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ rất khó thực hiện – VCBS nhận định.

Bích Diệp

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn khó thành - 2