Mua thị trấn, bán cà phê ở Mỹ mất 9 tháng xin giấy phép, Việt Nam chỉ mất 15 ngày!

(Dân trí) - Sáng nay 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện các doanh nghiệp (DN) thủy sản với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến quản lý của các Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Tùng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, VPCP tổ chức buổi đối thoại giữa các Bộ: Y tế, TN&MT, Tài chính về các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) liên quan tới Nghị định 38 của Chính phủ.

Đối thoại được chủ trì bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Đối thoại được chủ trì bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Theo đó, VASEP kiến nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về an toàn thực phẩm (ATTP), với lý do Luật ATTP không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho DN khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về ATTP, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về ATTP.

Kiến nghị thứ ba liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 DN chịu sự quản lý của một bộ.

Có mặt tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng: “Kiến nghị thứ nhất của VASEP là đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP thì kiến nghị này hợp lý, luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn”.

“Bộ Y tế có một loạt thông tư, trong đó có mức giới hạn, ví dụ như danh mục thuốc thú y dùng trong thực phẩm (67 loại), thuốc bảo vệ thực vật, trước đây để ở thông tư. Bộ tiếp thu ý kiến của VASEP và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật ATTP mà vẫn tiếp thu ý kiến của VASEP.”, Thứ trưởng cho biết thêm và hứa sẽ tiếp thu giải trình, thông qua thủ tục khoảng 2 tháng.

Còn về đề nghị đơn giản hoá hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng: “Theo luật quy định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho DN về việc tiếp nhận công bố hợp quy ATTP của DN là hợp lý vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh. Trong khu vực thì Singapore, Malaysia áp dụng hậu kiểm nên chỉ tiếp nhận bản công bố của DN. Các nước còn lại đều kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm với lý do quy mô sản xuất thực phẩm manh mún”.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Bản chất cơ quan quản lý không chỉ nhận nộp hồ sơ mà phải căn cứ đối chiếu từng danh mục chỉ tiêu về phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại nặng, các chỉ tiêu kiểm nghiệm có phù hợp hay không. Nếu bản công bố hợp quy do bên thứ ba đánh giá thì thời gian chỉ tối đa 7 ngày nhưng đa số các DN tự công bố, đánh giá tức là khai như thế nào thì phải cùng các cơ quan xem xét lại bản công bố hợp quy”.

Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Tôi xin lấy ví dụ, người Việt Nam mua lại 1 thị trấn ở Mỹ và bán cà phê tại đó, họ mất 9 tháng để xin giấy phép bán cà phê. Việc đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi thấy thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, chỉ cần 15 ngày để doanh nghiệp nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy”.

“Tuy nhiên, có hai việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, hơn nữa hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn được.”, Thứ trưởng Khánh cho biết thêm.

Kinh nghiệm thứ hai, theo ông Trần Quốc Khánh, “ở các nước phát triển thì doanh nghiệp sản xuất không tự đi làm các thủ tục. Trong lĩnh vực ATTP sẽ càng ngày càng phức tạp, đất nước càng phát triển thì người dân càng quan tâm tới vấn đề VSATTP. Do đó, hồ sơ ngày càng phức tạp, từ dư lượng kháng sinh, hàm lượng vi sinh đến kim loại nặng… Doanh nghiệp không làm được nếu không có phòng ban chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, nên có các công ty đi làm việc đó cho doanh nghiệp, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho DN".

Kết thúc buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao nỗ lực của các bộ và cho rằng: “Các bên ngồi trực tiếp với nhau mới thấy không phải tất cả kiến nghị của DN đều nên chấp thuận hết, vì cơ quan quản lý cũng có lý do. Có những thứ các bên đồng ý với nhau, nhưng do câu chữ nên có cách hiểu khác nhau. Và cũng có những vấn đề ý kiến DN là đúng, vì người làm văn bản chưa lường hết được. Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi".

Thế Hưng