“Miếng bánh” hàng tỷ USD: Không doanh nghiệp thương mại điện tử nào muốn mất phần

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử khẳng định luôn muốn giữ môi trường kinh doanh thương mại điện tử Việt Nam trong sạch và lành mạnh. Chính vì lẽ đó, không doanh nghiệp nào lại muốn thương hiệu bị ảnh hưởng bởi hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%.
Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%.

Miếng bánh 10 tỷ USD và thế khó của doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) mới đây, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%. Đặc biệt trong năm 2017, con số này là 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Theo tính toán của VECOM, trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Trên thực tế, TMĐT không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với lượng khách hàng khổng lồ, tăng doanh thu và tạo thêm được công ăn việc làm cho người lao động mà còn giúp người tiêu dùng thêm lựa chọn với các sản phẩm đa dạng hơn. TMĐT cũng giúp giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu các khâu trung gian, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho phía người tiêu dùng nhiều hơn.

Tuy nhiều tiềm năng và là cơ hội đáng giá hàng tỷ USD nhưng doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn phải đối mặt với khá nhiều thách thức như chi phí quảng cáo, bảo vệ thương hiệu, vấn đề thuế khi làm việc với các đơn vị thương mại điện tử nước ngoài. Đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán phổ biến cũng là một trong những bài toán đau đầu của các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee, với hàng giả hàng nhái hiện nay bản thân các doanh nghiệp thương mại luôn liên tục xử lý. Ngay như tại Shopee, đối với gian hàng vi phạm có thể xóa sản phẩm, cấm tham gia các hoạt động quảng cáo, cắt bỏ ưu đãi, và khóa tài khoản, báo cơ quan chức năng, tùy cấp độ vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thừa nhận việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi lượng sản phẩm nhiều lên tới hàng triệu mặt hàng, khó phân biệt bằng mắt mà chỉ đến khi giao nhận, sử dụng rồi mới phát hiện ra. Chưa kể nhiều trường hợp người bán cố tình che dấu, bán hàng sai quảng cáo, tráo hàng, gian lận khuyến mãi.

“Bán hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp tới không những người tiêu dùng, mà ảnh hưởng chính sàn TMĐT. Dĩ nhiên không phải doanh nghiệp không cố gắng dẹp nó đi vì đến cuối ngày khách hàng trải nghiệm xấu thì họ sẽ phản ánh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thương hiệu. Không một doanh nghiệp nào trên thị trường muốn bị ảnh hưởng bởi điều này”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Cần “diệt” tận gốc

Đại diện một sàn TMĐT cũng cho rằng, muốn TMĐT phát triển thì phải có một môi trường kinh doanh bình đẳng, siết hàng giả, hàng nhái trên các chợ điện tử thì đồng nghĩa với việc phải siết trên toàn thị trường, thậm chí chặn đứng ngay từ nguồn sản phẩm.

“Điều này cần sự giúp đỡ của cơ quan quản lý cũng như người dùng để giữ cho môi trường kinh doanh điện tử trở nên trong sạch hơn”, vị này nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, người tiêu dùng dường như cũng “dung túng” với hàng giả, hàng nhái bằng cách nhấp chuột và đặt mua các mặt hàng hiệu giá trẻ trên các trang thương mại điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang "giết" hàng thật, trong đó có hàng Việt.

“Mấy ông thương mại điện tử có khi không quản lý nổi đâu, nhiều sản phẩm giả hay nhái chỉ người tiêu dùng mới phát hiện được, thậm chí dùng rồi mới biết. Khi phát hiện, người tiêu dùng cần phải báo với cơ quan chức năng có chế tài xử phạt, thậm chí bán hàng không phải giả nhái mà vẫn ảnh hưởng sức khoẻ cũng phải bị xử lý”, ông Long nói.

Vị chuyên gia cho rằng, ở đây người tiêu dùng không phải vì dễ dãi mà là vì hám lợi ích với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần. “Anh phải có hình thức khuyến khích người tiêu dùng phản hồi, bồi thường nhiều lần cho họ khi phát hiện hàng giả hàng nhái”, ông khuyến cao.

Để xử lý triệt để nạn hàng giả, hàng nhái, lãnh đạo Cục Thương mại & Kinh tế số từng nhấn mạnh "cần ngăn chặn từ gốc". Cụ thể, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng nhập khẩu, hàng nhái nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, phải kiểm tra cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái trong nước, có hình thức xử lý nghiêm minh và thậm chí xử lý hình sự nếu có yếu tố cấu thành tội phạm.

“Thực ra, phần lớn hàng giả, nhái là hàng nhập từ Trung Quốc, giờ chúng ta phải ngăn chặn ngay từ cửa khẩu, không cho nhập sẽ hạn chế tình trạng này. Riêng với các nhà sản xuất, lắp ráp kém chất lượng trong nước, đơn vị sẽ kết hợp với Quản lý thị trường thực hiện những chiến dịch truy quét”, đại diện Cục Thương mại & Kinh tế số nói với báo chí.

P.Dung

“Miếng bánh” hàng tỷ USD: Không doanh nghiệp thương mại điện tử nào muốn mất phần - 2