Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên chợ điện tử: Cách nào xử lý?

(Dân trí) - Để giải quyết triệt để vấn đề hàng giả, hàng nhái, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp với nhau giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và ban quản lý các sàn cũng như từ phía người tiêu dùng.


Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên một số Sàn Giao dịch thương mại điện tử khiến người dân hoang mang (Ảnh minh họa)

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên một số Sàn Giao dịch thương mại điện tử khiến người dân hoang mang (Ảnh minh họa)

Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay đã trở thành một xu hướng trên thế giới, các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba, Taobao…đang ngày càng bành trướng quy mô của mình.

Ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, TMĐT cũng phát triển rầm rộ với các doanh nghiệp lớn như Sendo, Shopee, Tiki… đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2018, tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt gần 25% trong năm 2017 và nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao này trong năm 2018.

Bài toán khó của toàn thị trường

Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển và tiện lợi của TMĐT thì hàng giả, hàng nhái vẫn là câu chuyện cần phải nhắc tới.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế hàng giả, hàng nhái trị giá tới 461 tỷ USD Mỹ trong năm 2013, tương đương 2,5% tổng giá trị thương mại quốc tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, tuy chưa có nhiều vụ kiện lớn nhưng nếu lướt qua các trang mạng bán hàng lớn như Lazada, Sendo, Tiki, Shoppee... không khó để tìm thấy các sản phẩm “hàng hiệu” như Chanel, Valentino, Giovani, Lacoste... được bày bán công khai với mức giá rất rẻ.

Trên thực tế, hiện nay là bất cứ sàn TMĐT nào cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Ngay cả Amazon và các trang TMĐT như eBay, Newegg và Walmart.com cũng đã từng gặp nhiều khó khăn với các cáo buộc bán hàng giả.
Dưới góc độ một doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee cho hay, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, đa phần các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT đều giải quyết một cách nhanh chóng, các nhân và doanh nghiệp kinh doanh đều bị loại bỏ ngay lập tức ra khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, có một thực tế nếu chỉ có doanh nghiệp quản lý sàn TMĐT xử lý thì không thể giải quyết một cách triệt để bởi những người kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên tinh vi và rất khó để phát hiện, nếu không có sự giúp sức của cơ quan chức năng, cũng như người mua hàng.

“Hàng giả hàng nhái không phải duy nhất có ở các sàn TMĐT. Nếu đi 1 cái chợ hoặc bất cứ nơi nào ở Việt Nam đều sẽ thấy. Do vậy, nếu chỉ quy cho mỗi TMĐT thì hơi “bất công” vì đây là vấn đề của cả toàn thị trường. Dĩ nhiên không phải mình không cố gắng dẹp nó đi vì điều quan trọng nhất là đến cuối ngày nếu khách hàng trải nghiệm xấu thì họ sẽ phản ánh. Mình biết điều đó và không muốn thương hiệu cũng như cả ngành TMĐT bị ảnh hưởng”, ông nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cũng thừa nhận, đây thực chất là vấn đề của toàn thị trường và TMĐT chỉ là 1 thành phần trong đó. “Người buôn bán trên sàn và ở chợ họ đang phải cạnh tranh với nhau, nếu gắt quá với TMĐT thì không giải được bài toán đó mà ngược lại họ lại mua trên toàn thị trường. Nếu muốn kiểm soát hàng giả, hàng nhái thì phải làm trên toàn thị trường”, một vị chuyên gia nói.

Cần trợ lực của người kinh doanh, người tiêu dùng và cơ quan chức năng

Nhiều doanh nghiệp TMĐT chia sẻ, một trong những vấn đề quan trọng để giải quyết câu chuyện hàng giả hàng nhái cũng chính là ý thức của những người kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT khi làm việc với cá nhân hay doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên sàn đều đưa ra các quy định về chất lượng hàng hoá, cũng như các điều khoản yêu cầu về kinh doanh, tuy nhiên nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

“Có rất nhiều chiêu trò lừa gạt cả chính sàn thương mại điện tử. Bán hàng sai quảng cáo, tráo hàng, gian lận voucher… khiến chính các sàn phải đầu tư nhân lực và nhiều trường hợp còn phải bồi thường cho khách hàng”, đại diện một sàn TMĐT có tiếng cho hay.

Còn theo TS Ngô Trí Long, nhiều trường hợp, người bán dùng ảnh để “lừa” người tiêu dùng vì người tiêu dùng khi mua sản phẩm không được sờ vào sản phẩm trước. “Nhiều người bán chiêu trò để bán rẻ, còn người tiêu dùng thì hám lợi, chưa kiểm tra chất lượng dẫn đến hàng giả, hàng nhái gần như phổ biến trên các sàn TMĐT”, ông nói.

“Vai trò ở đây là cơ quan quản lý thị trường, để xảy ra tình trạng đó là vì anh buông lỏng, thiếu trách nhiệm, dẫn đến hiện tượng đó ở cả trên TMĐT và bán hàng truyền thống. Câu chuyện này cũng cần phải được xử lý”, ông nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tới vai trò của người tiêu dùng: “Bên cạnh cơ quan chức năng phải vào cuộc và doanh nghiệp phải có biện pháp tự bảo vệ mình thì người tiêu dùng cũng phải thông thái”.

“Chỉ mình doanh nghiệp TMĐT không làm nổi đâu, nhiều sản phẩm giả hay nhái chỉ người tiêu dùng mới biết, thậm chí đến lúc dùng rồi mới biết. Do đó, người tiêu dùng khi phát hiện phải báo với cơ quan chức năng để có chế tài xử phạt. Cũng cần phải cảnh tỉnh người tiêu dùng, khi phát hiện hàng giả loại nào thì phải phản ánh cho các sàn TMĐT để người mua khác họ cũng cảnh giác”, ông Long nói.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cũng cho rằng, việc xuất hiện các cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT có thể nói là con sâu làm rầu nồi canh.

“Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp với nhau giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và ban quản lý các sàn để giải quyết những sự cố một cách nhanh chóng.

Còn với người dùng, sau khi mua hàng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái kém chất lượng cũng có thể lên website của Cục TMĐT để tố cáo vi phạm trên đó cơ quan chức năng sẽ xử lý”, ông nói.

Phương Dung

Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên chợ điện tử: Cách nào xử lý? - 2