Ma trận giá và danh sách nhà trọ “đen” sinh viên Hà Nội truyền tay nhau
(Dân trí) - Khó khăn đầu tiên của nhiều tân sinh viên khi bước vào cuộc sống đại học chính là việc tìm phòng trọ. Vì còn khá bỡ ngỡ với cuộc sống tự lập mới nên tân sinh viên chính là những chú “gà con” để cò mồi và chủ trọ chém đẹp.
Ma trận giá nhà trọ
Thời điểm này khá nhiều tân sinh viên đã biết kết quả và bắt đầu đi tìm nhà trọ. Tưởng như tìm sớm thì sẽ còn phòng và giá sẽ “mềm” hơn, nhưng lại gặp vô vàn khó khăn.
Vừa biết đỗ đại học, Lưu Thu Hoài (Hải Dương) đã sốt sắng cùng mẹ lên thuê nhà, Hoài cho biết: “Đằng nào cũng phải tìm nhà trọ nên em đi sớm luôn, vừa có nhiều phòng lại không bị ép giá. Tuy nhiên, “lạ nước lạ cái”, cả 2 mẹ con đều khá bị động”.
“Vì em là con gái nên mẹ thích ở nhà nào cùng chủ cho dễ quản lý, có vệ sinh khép kín tránh phiền phức và còn phải ở khu văn minh, an ninh tốt. Nhưng những phòng trọ ở cùng chủ hầu hết đều thiết kế theo kiểu 2 – 3 phòng/tầng chung nhau 1 nhà sinh nên rất khó tìm, hoặc chỗ nào xung quanh toàn con trai cũng sợ”, Hoài nói.
Lang thang khắp khu các khu Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng chưa tìm được phòng ưng ý, Hoài than thở: “Nhiều nhà đến xem chủ rất khó tính, chưa ở em đã có cảm giác hơi sợ rồi. Chưa kể đến việc, nhiều nhà trọ muốn thuê phải đóng tới cả cục tiền.”
“Như một nhà trong ngõ 44/64 Xuân Thủy, chủ nhà không cho xem phòng. Lúc đó, em phải gọi cho một người quen thuê ở đó rồi dẫn lên thì chủ nhà mới không nói gì. Khi xuống nói chuyện thì chủ nhà bắt đóng 1 cục là 14 triệu thì mới cho thuê. Giật mình vì thấy số tiền lớn, hỏi lại chủ nhà thì mới biết muốn thuê phải đặt cọc 1 tháng tiền nhà và đóng 3 tháng tiền nhà luôn”, Hoài kể.
Không những thế: “Chủ nhà trọ bây giờ còn chảnh tới mức, mẹ em có nhờ người quen nói trước rồi mới gọi, nhưng cả ngày cũng không nghe máy. Đến khi em liên lạc được thì có nói địa chỉ nhưng bảo cô đang bận không ở nhà và cúp máy luôn”.
“Lần mò vào làng Đình Hậu, Trần Thái Tông theo địa chỉ của chủ nhà đó cho để xem phòng, mặc dù ở trong nhà nhưng gọi cửa và điện thoại 15 phút chủ nhà mới ra mở cửa. Hỏi chủ nhà sao không nghe điện thoại thì họ bảo: “Nhiều người gọi thuê nhà quá cô không nghe..!”, Hoài nói.
Vừa nhập học vào Khoa Kế toán của Học viện Tài Chính xong, nhưng Nguyễn Thị Quỳnh Mai (TP Hải Dương) lại muốn đi học thêm tiếng Anh buổi tối nên quyết định thuê gần trung tâm 1 chút, Mai cho biết: “Thuê nhà ở khu Cổ Nhuế khá dễ, chỉ cần gọi là có thể lên xem phòng. Nếu ở 1 mình phòng khép kín không có điều hòa, bình nóng lạnh thì khoảng 1,3 triệu đồng/tháng, nếu ở 2 – 3 người thì giá tăng 200.000 đồng.”
“Muốn thoải mái hơn có điều hòa, nóng lạnh đầy đủ thì có thể thuê chung cư mini với giá 2,4 – 2,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá thuê nhà này vẫn cao hơn với giá phòng bạn em thuê bên khu Gia Lâm”, Mai nói.
Tiếp lời, cô bạn này kể: “Bạn em cũng vừa đỗ đại học bên Gia Lâm và thuê nhà bên đó, phòng 2 người có điều hòa, nóng lạnh đầy đủ mà giá cũng chỉ có 1,5 – 1,7 triệu đồng, tùy diện tích.”
“Nhưng vì nhu cầu học tiếng Anh nên em phải thuê gần trung tâm để về tối cho đỡ nguy hiểm. Tìm nhà trọ tưởng chỉ mất một ngày là ổn nhưng đi 3 – 4 chỗ có khi cũng đã hết cả ngày rồi mà còn chưa giải quyết vấn đề gì. Không những thế vừa tìm vừa phải né những nhà trọ nằm trong danh sách đen.”
Danh sách nhà trọ “đen” Hà Nội
Từ 2 năm nay, nhiều sinh viên ở Hà Nội đã lan truyền nhau một danh sách gần 200 nhà trọ “đen”. Danh sách này được truyền đi với mục đích cảnh báo cho người khác về những cách chặt chém hay ứng xử vô lý của các chủ trọ.
Để lại nhận xét trong danh sách đó, một bạn trẻ bức xúc: “Thuê ở đó phải đóng đủ thứ tiền: đặt cọc trước nửa tháng tiền nhà, đóng tiền nhà, tiền điện, nước, tiền rác (50.000 đồng/người/tháng), tiền an ninh (để mỗi ngày đc nghe chửi) 3 tháng/lần.”
“Ngày đưa tiền đặt cọc tính luôn là ngày thuê nhà không cần biết đã đến ở chưa. Mà tiền đặt cọc đó đừng hi vọng lấy lại, đặc biệt con gái thuê, chủ nhà sẽ tìm đủ mọi lý do trừ tiền đặt cọc của các bạn đi. Các bạn có đưa bạn đến chơi thì không được tắm, không được ngủ qua đêm. Nếu ngủ qua đêm mà chủ biết thì phạt 100.000 đồng/người/đêm, không nộp ngay thì trừ vào tiền đặt cọc, tiền đặt cọc không đủ thì trả thêm mới được chuyển”, bạn trẻ này nói thêm.
Một số phòng với tiện nghi cơ bản
Thậm chí, có bạn còn liệt kê được hàng tá những điều bị chèn ép như: “Ở 1 người 2 triệu đồng tiền cọc, 2 người 4 triệu đồng. Tiền nước 30.000 đồng/khối, tiền vệ sinh 100.000 đồng/tháng (phải đóng 6 tháng luôn nếu chuyển đi là mất), tiền điện sạc xe đạp điện 100.000 đồng/tháng (đóng 3 tháng/lần).”
Thuê xã hội đen đe dọa sinh viên cũng là 1 chiêu trò được nhiều chủ trọ sử dụng, một bạn khác kể: “Tụi mình ở chưa đủ một năm muốn chuyển đi, chủ nhà bắt nộp phạt 3 tháng tiền nhà. Không nộp thì gọi xã hội đen đến hù dọa này nọ... Thế là mất toi tiền đặt cọc 2 triệu đồng với 3 tháng tiền nhà.”
Còn muôn vàn câu chuyện khác trong danh sách được lan truyền này, có người sẽ cho rằng làm gì đến mức đó. Nhưng phải trải qua cảnh sinh viên ngoại tỉnh đi thuê nhà mới thấm thía được cái khổ, cực khi bị bắt nạt bị chèn ép mà cũng đành ngậm ngùi.
Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội cũng có rất nhiều chung cư, chung cư mini có an ninh khá tốt, tiện nghi đầy đủ cho sinh viên thuê. Nếu muốn giảm chi phí thì có thể ở ghép nhiều người.
Thế Hưng