Nhiều chiêu trò “móc túi” của chủ nhà trọ
Các khu trọ tại Hà Nội hiện nay chủ yếu thu hút đông lượng sinh viên, người lao động và phần lớn đều chung hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, chi tiêu cho cuộc sống vốn đắt đỏ, cộng với các chi phí điện, nước, tiền nhà trọ bị chủ trọ hét giá khiến nhiều người vốn đã khó khăn, nay càng trở nên chật vật.
Thu tiền điện... không giống ai
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * 11 tháng, kiều hối về TP.HCM đạt 4,4 tỷ USD * Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp tục vắng mặt tiếp xúc cử tri * Phố cổ Hà Nội có khung giá đất cao nhất nước * Cam Trung Quốc “nhái” cam Việt Nam tràn ngập thị trường * Kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, khó thực hiện |
Tình trạng các khu nhà trọ ở Hà Nội thu tiền điện cao hơn giá quy định tới 3-4 lần đang là thực trạng tồn tại nhiều năm nay, thậm chí dù quy định về bảng giá điện đã được ban hành, nhưng nhiều chủ nhà trọ vẫn tảng lờ và vô tư tăng giá tùy ý. Tại một số khu trọ tập trung đông sinh viên, công nhân đến trọ như: Phùng Khoang, Hạ Đình, Triều Khúc... giá tiền điện tại đây chủ yếu dao động ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kWh (số).
Theo chị Nguyễn Thị Vy - công nhân đang làm việc tại Cty dây và cáp điện Thượng Đình trên phố Hạ Đình - từ năm 2011, giá điện tăng 15,28% so với năm 2010, tức là chưa đến 200 đồng mỗi số. Tuy nhiên, “té nước theo mưa”, các chủ nhà trọ ấn định mức tiền điện cho người đi thuê nhà trọ tăng từ 500 - 1.500 đồng/số.
Với mức giá này, giá điện tại các khu nhà trọ tăng gấp 3-5 lần so với quy định. Hiện, khu nhà trọ nằm sâu trong đường Khương Đình, nơi nữ công nhân này đang ở, phải chịu mức giá 3.500 đồng/số. “Lấy cớ lạm phát, các mặt hàng ngày càng đắt đỏ nên mức giá cao ngất ngưởng được chủ trọ giữ từ đó đến nay” - Vy cho biết.
Với lương tháng chưa đầy 5 triệu đồng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, Vy cũng giống như nhiều công nhân tỉnh lẻ khác không dám tiêu xài phung phí. Bởi, chỉ riêng tiền nhà trọ, tiền điện, nước, mỗi tháng cô cũng phải chi trả một triệu đồng, nếu không tằn tiện, khoản thu nhập trên cũng chỉ vừa đủ cho tiêu dùng cá nhân và hoàn toàn không có để ra.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Tuân - chủ nhà trọ số 5, ngõ 376 Khương Đình - cho biết, giá điện ở đây còn là thấp, nhiều nơi gần đây, giá điện đang được áp tới 4.000 đồng/số. Ông cho rằng chưa biết đến quy định nhà cho thuê phải đi đăng ký định mức với điện lực và cũng không có ý định đi đăng ký. Dù biết việc tăng giá điện trái quy định sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, tuy nhiên, theo ông Tuân, chưa bao giờ ông thấy có lực lượng chức năng đến khu nhà trọ để kiểm tra về vấn đề này.
Nhiều chiêu trò “móc túi” kẻ trọ
Không dừng lại ở việc “móc túi” kẻ trọ thông qua tăng giá tiền điện, nước cao ngất ngưởng, nhiều chủ trọ còn vô tư áp đặt những điều khoản bất lợi cho người trọ, hòng thu lợi về phía chủ nhà. Trên thực tế, hầu hết những hợp đồng cho thuê trọ đều được thỏa thuận bằng miệng. Khi bất trắc gì xảy ra, người trọ phải chịu đầu tiên.
Nhiều nơi cho thuê trọ, người trọ còn bị chủ nhà truy thu những khoản tiền vô lý: Tiền hao mòn máy móc đối với những trang thiết bị cung cấp điện, nước trong khu nhà trọ mà bản thân chủ nhà cũng sử dụng. Cụ thể, theo anh Nguyễn Văn Tam, tại khu nhà trọ số 27, ngõ 236 Khương Đình do ông Lê Văn Phúc làm chủ, ngoài những khoản phí cho tiền nhà, điện, nước, vệ sinh… mỗi người trọ phải đóng thêm số tiền 30.000 đồng/tháng cho chủ trọ để “bảo dưỡng máy móc sử dụng”. “Mình phải đóng thêm khoản phí đó gần một năm nay, nhưng vì làm việc tại một Cty gần đó nên mình ngại chuyển đi xa” - anh Tam nói thêm.
Đáng nói, nhiều chủ trọ còn tìm cách khai tiền cho thuê thấp hơn giá thực, để phải đóng phí ít hơn; không thực hiện trách nhiệm nhắc nhở người trọ làm tạm trú… Ông Phạm Văn Giang - cán bộ công an khu vực (CA phường Hạ Đình) - cho biết, công an phường chỉ có chức năng quản lý trật tự và đề nghị chủ trọ nhắc nhở người trọ phải đăng ký tạm trú, tạm vắng. “Khi khách trọ phản ánh, chúng tôi cũng chỉ ghi nhận và báo cáo lại với lãnh đạo phường”.
Theo Vũ Loan
Lao động