1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Làm được 3 tỉ USD lúa gạo thì uống rượu bia hết"

(Dân trí) - Trong khi áp lực nợ công tăng mạnh, Việt Nam tự hào xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới với 3 tỉ USD nhưng cũng chi 3 tỉ USD để uống, bia rượu - nghĩa là làm được bao nhiêu lúa gạo chuyển thành uống bia rượu hết, đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét.

Phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội tại tổ diễn ra sáng nay (24/3/2016), Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) lưu ý, số nợ nước ngoài theo con số tuyệt đối là khoảng 80 tỉ USD. Nợ công năm 2011 là 1,3 triệu tỉ đồng, đến thời điểm hiện tại đã là 2,7 tỉ đồng. Mức bội chi 250 tỉ đồng mỗi năm dẫn đến trong 5 năm vừa qua tăng trên 1 triệu tỉ đồng.

"Trong khi đó chúng ta vẫn nói xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được khoảng 3 tỉ USD nhưng việc uống bia, rượu cũng hết 3 tỉ USD. Nghĩa là làm được bao nhiêu lúa gạo chuyển thành uống bia rượu hết" - vị đại biểu bình luận.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng cho rằng cơ chế trả lương thấp như hiện nay khiến đói kém sinh ra nhũng nhiễu
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng cho rằng cơ chế trả lương thấp như hiện nay khiến "đói kém sinh ra nhũng nhiễu"

Ngoài ra, nhiều vấn đề bất cập vẫn còn tồn tại trong đời sống kinh tế xã hội cũng được đại biểu đoàn TPHCM chỉ rõ. Cụ thể, theo ông Đương, lương chi thường xuyên cho cán bộ khối hành chính tới 400.000 tỉ đồng/năm nên nguồn thu ngân sách không nuôi đủ bộ máy hành chính.

Đánh giá chủ trương tinh giảm biên chế là rất đúng nhưng ông Đương cũng đặt vấn đề, phải triển khai chủ trương này ra sao, xây dựng đề án, phê duyệt như thế nào. Vị đại biểu lo ngại, vấn đề này sẽ không thể sớm giải quyết mà phải mất thời gian.

Ông Đương cho rằng, phải coi trọng chuyên môn và đội ngũ chuyên gia, trả lương cho đội ngũ này thật xứng đáng. Bởi nếu theo cách chi trả như hiện nay, nguồn ngân sách có hạn nhưng chi trả cho nhiều người quá khiến ai cũng thấy thiếu thốn, đói kém sinh ra nhũng nhiễu và tham nhũng, cũng như bình quân chủ nghĩa trong công việc.

Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức không có tính cạnh tranh, coi trọng việc bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo - mà lãnh đạo có quyền lực rất dễ dẫn đến tham nhũng.

"Trong bộ máy nhà nước tham nhũng ghê gớm. Bất kỳ dự án nào nếu xem xét kỹ đều có bóng dáng của quan chức nhưng chưa có ai, tổ chức nào dám đánh giá việc này. Liên quan đến các dự án, các cụm công nghiệp, các mỏ tài nguyên thiên nhiên, cần xem xét có bóng dáng của quan chức cổ phần hay không?" - đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến.

Do đó, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, cần xã hội hóa một số lĩnh vực. Lĩnh vực nào người dân làm được dứt khoát không để cơ quan nhà nước thực hiện. Việc gì cũng dùng ngân sách nhà nước thì người dân không thể kham nổi.

Trong thời gian tới, ông Đương đề nghị, nhất định phải coi trọng công tác chống tội phạm tham nhũng trong bộ máy công chức nhà nước. Đặc biệt, phải xử lý có trọng điểm những người có chức có quyền, nếu chỉ xử lý tham những vặt sẽ không giải quyết được tình hình.

"Có thể chúng ta chê Trung Quốc nhiều thứ nhưng công tác chống tham nhũng của nước này rất có hiệu quả" - vị đại biểu đánh giá.

Bích Diệp

"Làm được 3 tỉ USD lúa gạo thì uống rượu bia hết" - 2