Kinh tế Việt Nam: Từ tư duy đến hiện thực hoá Nhà nước kiến tạo, phát triển
(Dân trí) - Năm 2017 đi qua, chứng kiến rất nhiều đạo luật, chính sách về kinh tế được xây dựng và thông qua. Dấu ấn của một Chính phủ kiến tạo, đổi mới về tư duy, hành động và cách tiếp cận đã giúp nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng, các cân đối vĩ mô ổn định.
Đặc biệt, TP.HCM - đầu tàu kinh tế cả nước vừa được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc biệt, từ đây "Hòn ngọc Viễn đông" xưa, thành phố trẻ ngày nay được kỳ vọng bừng tỉnh, phát triển xứng tầm khu vực.
Hiện thực hóa tư duy Chính phủ kiến tạo
Trong năm 2017, theo đánh giá của các chuyên gia các vấn đề kinh tế được Đảng, Nhà nước và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Các chủ trương, quyết sách lớn của Nhà nước đều thể hiện sự nhất quán quan điểm, cùng mục tiêu, cùng chí hướng, khiến cho sự lãnh đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trở nên dễ dàng hơn.
Năm qua, điểm nhấn lớn là về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tăng trưởng và phát triển kinh tế tư nhân, người đứng đầu Chính phủ, Chính phủ quyết tâm duy trì và nâng cao Nghị quyết 19 của Chính phủ, Nghị quyết 35, các chỉ thị, chỉ đạo lớn của Thủ tướng đã tăng cường hiệu lực, hiểu quả của cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu môi trường kinh doanh Việt Nam lọt các chỉ tiêu của các nước ASEAN 4.
Một vấn đề then chốt là năm qua, Chính phủ thực hiện nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, với người lao động, với nhà đầu tư quốc tế. Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế đã cụ thể hóa điều này. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, các quyết sách lớn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế cao, kinh tế tư nhân được coi trọng, vận hành thông suốt nền kinh tế thị trường...
Dấu ấn năm 2017 là thoái vốn, cổ phần hóa diễn ra khá hiệu quả từ chủ trương, chính sách đến hành động thiết thực. Lần lượt Vinamilk lên sàn, Sabeco được bán gần 5 tỷ USD, đây là những "con bò sữa","gà đẻ trứng vàng" giúp tạo động lực, nền tảng cho thoái vốn của các DN lớn trong năm 2018 và những năm tiếp theo trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn.
Sự kiện kinh tế đặc biệt diễn ra vào thời điểm cuối năm là Hội nghị Chính phủ, bộ ngành với các địa phương diễn ra cuối tháng 12/2017. Lần đầu tiên hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thu Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các các lãnh đạo bộ ngành, 63 tỉnh thành phố. Sự quan tâm đặc biệt của những người đứng đầu đất nước đã thể hiện sự quan tâm, tinh thần lắng nghe, cầu thị của lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đối với các vấn đề kinh tế, giúp doanh nghiệp, người dân hồ hởi hơn.
Điểm nhấn chính sách, nhiều sắc luật đột phá, chiến lược
Năm 2017, nhiều đạo luật, chính sách quan trọng về kinh tế được thông qua, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi... Cùng với các Luật đã thông qua, nhiều dự luật quan trọng đã được xây dựng lấy ý kiến, được dư luận đặc biệt chú ý như: Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật sửa đổi 5 luật thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp...)
Những chính sách, luật ra đời, xây dựng đã tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Luật Quy hoạch, từ khi ra đời, lấy ý kiến đến khi thông qua đã trở thành đạo luật có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, gạt bỏ lợi ích nhóm trong quy hoạch và lần đầu tiên Việt Nam có một Luật về quy hoạch quốc gia.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp nhỏ và vừa về các thủ tục vay vốn, chính sách đất đai, quản trị doanh nghiệp. gia nhập thị trường và cạnh tranh. Với quy mô rộng lớn, DN nhỏ và vừa không những đóng góp tạo việc làm mà còn giúp duy trì tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Mặc dù kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho DN nhỏ và vừa, song theo nhiều chuyên gia để hiện thực hóa chính sách, nội dung của Luật đi vào cuộc sống, quan trọng vẫn là sự vào cuộc của địa phương, người lãnh đạo.
Vấn đề nợ công luôn là nỗi lo, trăn trở của người dân, giới chuyên gia và học giả về sự phát triển nóng, thiếu bền vững của Việt Nam. Chi tiêu công gia tăng, chi thường xuyên lớn, nền kinh tế thâm dụng tài nguyên, vốn vay để tăng trưởng, chỉ số ICOR cao nhất nhì khu vực... điều này khiến Việt Nam có nguy cơ vượt trần nợ công.
Chính phủ, Quốc hội đã xây dựng chính sách Luật về quản lý nợ công theo hướng hạn chế, thiết chặt chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách, chi tiêu địa phương... Luật Quản lý nợ công thực sự đang là sắc luật có tác động lớn giúp các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Luật các tổ chức tín dụng, một đạo luật yêu cầu cấm sở hữu chéo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có hiệu lực năm 2018 cũng giúp giảm bớt các dấu hiệu tiêu cực trong ngành ngân hàng khi yêu cầu một cá nhân không được đồng lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng.
Nguyễn Tuyền