Không nên đánh quả, kiếm vài trăm tỷ đồng rồi… nghỉ
“Không nên xem phát triển dự án bất động sản là “đánh quả”, kiếm vài chục vài trăm tỷ đồng rồi… nghỉ. Doanh nghiệp bất động sản cần nhất là phải có bề dày”
Chủ đầu tư đang chạy đua sản phẩm cao cấp, bỏ rơi phân khúc trung bình. Thị trường bất động sản vừa ấm lên khiến cuộc đua càng tăng nhiệt. Tuy nhiên, đây là sản phẩm ít có nhu cầu thực tế và chủ yếu phục vụ giới đầu cơ tìm “ăn” chênh lệch giá, khi nguồn cung thứ cấp gia tăng, nguy cơ đóng băng hoặc vỡ bong bóng càng lớn.
Tam giác ngược và nguy cơ
Trong một hội thảo về thị trường BĐS gần đây do Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tổ chức, ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý… đều cho rằng thị trường đang khởi sắc. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao duy trì được “sức khỏe” trong thời gian dài và tránh nguy cơ lặp lại bong bóng như trước đây. Đặc biệt là làn sóng đầu tư căn hộ cao cấp đang gia tăng với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành lo ngại với con số 70% sản phẩm trên thị trường thuộc phân khúc nhà ở cao cấp. Lượng người mua nhà ở hiện tại sẽ “bung hàng” vào thời điểm nào đó. Sự bùng nổ của nguồn cung thứ cấp cũng sẽ gây sức ép lớn lên thị trường.
Theo nhận định của cá nhân ông, bong bóng BĐS chưa xuất hiện ngay tức thì, nhưng có lẽ vào năm 2017 sẽ có tín hiệu. “Những dự án chưa thi công, thi công chậm đang thu hút nhà đầu tư, ngược lại những dự án hoàn thành lại giảm người mua. Lý do: Người mua để đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời nhiều hơn là mua để ở” - ông Nghĩa cảnh báo. Hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp quá nhiều trong khi nhu cầu nhà ở thật nhiều nhất lại là phân khúc dưới 1 tỉ đồng/căn hộ.
Một trong những tín hiệu đáng lo ngại, theo Phó chủ tịch HoREA Nguyễn Văn Đực, thị trường đang hình thành một tam giác ngược. Tức là, sản phẩm cao cấp và sang trọng lại nhiều hơn phân khúc giá rẻ. Đặc biệt là “trắng” căn hộ giá 300 triệu. Điều này có thể đẩy sản phẩm xa với nhu cầu thực tế. Người có nhu cầu thật càng khó tiếp cận được nhà ở hợp khả năng chi trả. Theo ông Đực, năm 2016, thị trường BĐS sẽ “sung mãn” bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi giá đất và lãi suất tăng.
Nếu có bong bóng là do doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp, chuyên gia dự báo những người mua nhà để đầu tư, chờ lên giá bán cho lại người khác sẽ tung ra thị trường một lượng hàng “khủng” trong năm 2017. Đó là chưa kể năm 2017, 2018 các công ty cũng sẽ tung ra khoảng 60.000 căn hộ, trong khi dự báo chỉ bán được 30.000 căn. Khi đó rủi ro sẽ rất lớn đối với thị trường nhà đất. Chưa hết, hiện nay lực lượng tiếp thị tác động lên thị trường BĐS “quá giỏi” và lực lượng này có thể góp phần làm biến dạng thị trường.
“Có bong bóng hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào chính các doanh nghiệp”-ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp khẳng định. Theo ông, doanh nghiệp không nên bung hàng ồ ạt mà phải có chiến lược dựa trên tình hình thực tế. Cũng không nên tự minh định sản phẩm của mình là cao cấp. Theo ông, chính doanh nghiệp BĐS là đối tượng phải bảo vệ thị trường. Vì khi bong bóng nổ ra, họ chính là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. “Quan trọng nhất là tâm thế, không nên xem phát triển dự án bất động sản là “đánh quả”, kiếm vài chục vài trăm tỷ đồng rồi… nghỉ. Doanh nghiệp bất động sản cần nhất là phải có bề dày” - ông Trung chia sẻ.
Phó chủ tịch HoREA, bà Đỗ Thị Loan thì lo ngại về sự manh mún của thị trường. “Mỗi doanh nghiệp hiện tại đều đưa ra sản phẩm riêng chứ chưa có liên kết. Thậm chí dàn trải sản phẩm ở nhiều tỉnh thành khác nhau” - bà Loan phân tích. Nếu không có sự quản lý điều tiết quan hệ cung cầu trên từng phân khúc, thị trường sẽ rất dễ đóng băng. Theo bà, hiệp hội, các sở xây dựng nên nâng cao vai trò tham tham mưu chính sách cho UBND thành phố để có thể điều tiết thị trường BĐS.
Theo Nguyễn Tường
Dân Việt