1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hậu sự cố Formosa, doanh nghiệp “sốt sắng” hơn với vấn đề môi trường

(Dân trí) - Kết quả khảo sát PCI cho thấy, sau sự cố môi trường Formosa, các doanh nghiệp dường như đồng tình cao hơn và chấp nhận nghĩa vụ thực thi các quy định về môi trường dù điều đó có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí và trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Sự cố Formosa trở thành một bài học lớn đối với doanh nghiệp cũng như với chính quyền trong vấn đề bảo vệ môi trường
Sự cố Formosa trở thành một bài học lớn đối với doanh nghiệp cũng như với chính quyền trong vấn đề bảo vệ môi trường

Trong năm 2016, tại ven biển bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, môi trường biển, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân… Nguyên nhân là do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã có những vi phạm trong quá trình xử lý chất thải.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố hôm nay (14/3) đã dành riêng một chương để khảo sát về cảm nhận của doanh nghiệp (DN) về các vấn đề môi trường.

Kết quả khảo sát cho thấy, các DN cả trong và ngoài nước đều tin rằng, sự cố ô nhiễm do Formosa gây nên sẽ là động lực để các DN và chính quyền cấp địa phương nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường (chiếm 94%). Tuy nhiên, các DN FDI dường như “nhiệt tình” hơn với tỉ lệ 29% trả lời hoàn toàn đồng ý, so với 22% của DN trong nước.

Hơn nữa, gần 97% DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước đều cho rằng, DN phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, thậm chí nếu điều đó làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Một lần nữa, DN FDI bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường nhiều hơn.

Ngoài trách nhiệm của mình, các DN cho rằng, chính quyền cấp tỉnh cũng cần có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường. 91% DN tin rằng, chính quyền tỉnh không nên phê duyệt những dự án có thể gây tác động xấu đến môi trường.

Theo đó, 91% DN trong nước và 95% các DN FDI cho rằng, chính quyền cấp tỉnh có trách nhiệm thi hành các quy định về môi trường, kể cả khi điều này tạo ra các hạn chế, ràng buộc đối với cộng đồng DN.

Đáng chú ý là mặc dù có một tỉ lệ rất cao các DN cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền tỉnh, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với tỉ lệ DN cho rằng đây là trách nhiệm của chính họ.

Một số DN cho rằng, quy định về môi trường của địa phương rườm rà và dễ bị lợi dụng. Do đó, những người được hỏi vẫn thiên về các quy định môi trường trong nội bộ DN, coi đây như là chiến lược tốt nhất để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho cho thấy, có 83% DN trong nước tin rằng, chính quyền địa phương đã tăng thêm số lượng các quy định về môi trường cho các DN sau khi sự việc xảy ra và đồng thời đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc áp dụng các quy định hiện hành. 89% DN FDI đồng ý rằng, quy mô kiểm tra mức độ tuân thủ các quy định và các chính sách quản lý về môi trường đã tăng mạnh sau khi vụ việc này xảy ra.

Bích Diệp