Hậu IPO, Nhà nước vẫn giữ trên 90% vốn 15 tập đoàn, tổng công ty lớn

(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 557 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9/2016 đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu (IPO). Trong đó, có 70 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ, bao gồm 15 tập đoàn và tổng công ty.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa gửi đại biểu Quốc hội cho hay, trong giai đoạn 2011-2015 cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp.

Tốc độ được đẩy mạnh trong 2 năm nước rút. Theo đó, trong năm 2012 chỉ cổ phần hóa được 26 doanh nghiệp, năm 2013 là 73 doanh nghiệp, năm 2014 là 175 doanh nghiệp và con số này trong năm 2015 là 220 doanh nghiệp.

Tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt của 508 doanh nghiệp đạt trên 197.000 tỷ đồng, trong đó, 65% là phần vốn Nhà nước nắm giữ; cổ phần bán công khai chỉ khoảng 16,7% tương ứng xấp xỉ 33.000 tỷ đồng.

Vốn Nhà nước nắm giữ tại các DNNN khi cổ phần hóa đạt cao đã giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Vốn Nhà nước nắm giữ tại các DNNN khi cổ phần hóa đạt cao đã giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Trong 9 tháng năm 2016 đã có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 49 đơn vị khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.100 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược gần 7.500 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ở mức xấp xỉ 4.100 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, trong số 557 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9/2016 đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu (IPO).

Trong đó, có 70 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ, bao gồm 15 tập đoàn và tổng công ty. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 94,99% vốn điều lệ), Tổng công ty Thép Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 93,6% vốn điều lệ), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 95,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 92,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Lilama (Nhà nước nắm giữ 98% vốn điều lệ), Tổng công ty Viglacera (Nhà nước nắm giữ 93% vốn điều lệ).

Theo đánh giá của Chính phủ, với việc tích cực thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn. Từ chỗ năm 2010 còn gần 1.500 DNNN, sau khi tích cực thực hiện cổ phần hóa, số DNNN tính đến hết năm 2015 còn 652 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.

Đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước (khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết). Như vậy, công tác cổ phần hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Theo số liệu báo cáo của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa. Cụ thể, vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận tiến trình cổ phần hóa thời gian qua còn nhiều tồn tại. Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Cơ chế cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn như: cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp 100% vốn thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô lớn, rà soát lại cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tránh lợi dụng (đặc biệt là hạn chế phương thức bán thỏa thuận), rà soát việc xác định giá trị đất đai trong doanh nghiệp cổ phần hóa cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa có gắn với quyền sử dụng đất cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện để tránh thất thoát vốn nhà nước.

Bích Diệp