1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

17 tỷ USD bị “đánh bay” khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Thị trường tạm dừng phiên giao dịch sáng nay (6/2) với 300 mã giảm điểm, số mã giảm sàn lên tới 180 mã.

Đáng nói là dẫn đầu làn sóng giảm giá này lại là các mã lớn, qua đó khiến VN30-Index mất 60,02 điểm tương ứng 5,8% và VN-Index cũng bị “thổi bay” 61,61 điểm tương ứng 5,87% về mức 987,1 điểm. BID, GAS, MSN, SSI, ROS, PLX, và thậm chí là cả VIC cũng giảm sàn.

Với mức giảm gần 6%, các chỉ số của sàn HSX gần như đi ngang trong suốt phiên sáng. Trong khi, HNX-Index cũng giảm rất mạnh 6,95 điểm tương ứng 5,85% và HNX30-Index “bốc hơi” 16,74 điểm tương ứng 7,19%.

Trên thị trường vẫn có 40 mã tăng giá, 10 mã tăng trần, hầu hết là mã nhỏ. NVL là mã duy nhất trong rổ VN30 trụ lại được, tăng giá nhẹ 100 đồng lên 81.700 đồng.

Các tính toán ban đầu cho thấy, trong sáng nay, vốn hoá toàn thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD). Và như vậy, tính cả phiên hôm qua đến nay, chứng khoán Việt Nam đã bị đánh bay khoảng 17 tỷ USD.

Sáng nay, cùng với thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đồng loạt giảm sâu. Hang Seng của Hồng Koong lao dốc 1.385,4 điểm tương ứng 4,3%; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.194,2 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 72,39 điểm tương ứng 2,91%...

Đà bán tháo đang lan rộng trên quy mô toàn cầu đối với tài sản cổ phiếu. Dow Jones đã sụt giảm hơn 1.100 điểm và S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 6 năm.


Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch sáng 6/2 với diễn biến vô cùng tiêu cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch sáng 6/2 với diễn biến vô cùng tiêu cực.

Lực bán tháo khiến không mã nào trong nhóm VN30 trụ lại được mức giá tham chiếu. VN30-Index trong 30 phút đầu tiên đã mất hơn 60 điểm (5,81%), qua đó kéo VN-Index cũng mất 59,13 điểm (5,64%) và “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm. Đáng lo ngại là biên độ giảm vẫn đang tiếp tục giãn ra.

Trước đó, vào phiên hôm qua, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị “thổi bay” 8 tỷ USD với mức sụt giảm kỷ lục kể từ sự kiện biển Đông năm 2014.

Hàng loạt bluechips như VIC, GAS, PLX, MSN, BVH, VJC, HPG….nằm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá “thảm khốc” với CTG, VCB chuyển màu xanh xám, BID mất gần 1.000 đồng, MBB mất 1.900 đồng

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất hơn 5,5% và HNX30-Index mất gần 7%. PGS, PVC, PVS giảm sàn, hầu hết cổ phiếu trong HNX30 cũng đều giảm giá.

Tuy nhiên, giữa lúc thị trường chìm ngập trong “sắc đỏ” thì vẫn có những mã cổ phiếu “kiên cường” đi ngược lại đám đông. HGM, ARM, LCS, MEC, MCO “tím” giá trần trên HNX; COM, GTA, PJT… cũng tăng trần trên HSX. Dù vậy, thanh khoản các mã này khá thấp.

Lý giải cho hiện tượng điều chỉnh mạnh trên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã có thời gian tăng khá mạnh trong 2 tháng trở lại đây, nhiều mã bluechip đã tăng trong khoảng 50% - 60%. Với mức tăng cao như thế, nhu cầu chốt lời cũng cao và rơi vào thời điểm cuối năm trước kỳ nghỉ lễ.

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh do TTCK toàn cầu. Theo đó, TTCK Mỹ trong phiên thứ sáu tuần trước đã giảm hơn 600 điểm. Cùng với đó, dòng vốn ngoại thời gian gần đây chững lại và có dấu hiệu bán ròng nhẹ. Đây là các yếu tố khiến nhà đầu tư có nhu cầu bán và chốt lời mạnh hơn.

Một lý do không thể không nhắc đến đó là trong quá trình thị trường tăng điểm, có tích tụ lượng margin lớn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh, điều này kéo theo hiện tượng cắt margin và càng làm áp lực giảm lớn hơn. Tổng hòa các yếu tố này khiến thị trường giảm điểm rất mạnh.

Bích Diệp

17 tỷ USD bị “đánh bay” khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam - 2