Hạn chế nhập khẩu: Xì gà, tàu bay, du thuyền...
(Dân trí) - Hôm qua (21/6), làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, cho ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ đánh giá mức độ cần thiết ban hành quyết định này trên tinh thần tuân thủ pháp luật, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ, hôm qua (21/6), Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành quyết định nhằm thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan là: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập”.
Bộ Tài chính đề xuất 11 nhóm hàng cần tăng cường kiểm soát, hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất trong nước quy định phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu gồm: Thuốc lá điếu, xì gà, chế phẩm khác từ cây thuốc lá; rượu; bia; ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3; tàu bay, du thuyền thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; xăng các loại (riêng xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho); điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; hàng hóa nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm cả thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 10% trở lên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định này là cần thiết nhằm kiểm soát hải quan đối với những mặt hàng hạn chế tiêu thụ trong nước, có nguy cơ cao liên quan tới gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm, thông lệ thế giới thông quan hàng hóa ở điểm nhập khẩu đầu tiên để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát về thuế, sở hữu trí tuệ. Việc ban hành danh mục này để xây dựng hàng rào kỹ thuật, chủ yếu liên quan tới hàng tiêu dùng nhập khẩu và các cửa khẩu nhập có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng bến bãi và lực lượng kiểm tra chuyên ngành.
Những mặt hàng quy định tại danh mục này là hàng nhập khẩu tiêu dùng, chiếm tỉ trọng ít (8,7%) so với tổng lượng hàng hóa thông quan nên mức độ tác động tới hoạt động doanh nghiệp là rất tối thiểu, theo ông Ngọc Anh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ rà soát lại các quy định hiện hành để bảo đảm việc ban hành danh mục tuân thủ Luật Hải quan (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải đánh giá rõ ràng hơn về sự cần thiết việc ban hành quyết định và dự báo tác động của quyết định tới việc thực hiện các thủ tục hải quan, tình trạng ùn tắc cửa khẩu, tác động tới bao nhiêu dòng thuế và mức độ tăng thêm chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh Nghị quyết 35 quy định triệt để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
“Nguyên tắc quản lý hải quan là quản lý rủi ro trên cơ sở phân tích đánh giá số liệu khách quan. Quy định này ra đời sẽ tác động tới thu ngân sách đã giao cho các địa phương và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, cần căn cứ cả vào danh sách các doanh nghiệp có lịch sử gian lận thương mại để tập trung kiểm tra ở bất kỳ cảng nhập khẩu hay nội địa, đồng thời phải tính toán tới việc bảo đảm tăng thu khi thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Đặt lên hàng đầu là tuân thủ pháp luật và tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thuận lợi thương mại, đáp ứng nhu cầu kiểm soát thuế và gian lận thương mại, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh của hàng hóa nhập khẩu” và phải căn cứ vào các yếu tố này để xác định rõ hơn danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục ở cửa khẩu.
Hà Nguyễn