1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giáo sư Đại học Harvard: Cần đưa 3 triệu lao động Việt thành 3 triệu doanh nghiệp!

(Dân trí) - "Việt Nam đang nổi lên là nước có tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng vấn đề hiện nay là tăng trưởng chưa thực chất, chưa bền vững".

Đó là nhận xét của GS Ricardo Hausmann, Trường Chính sách Công Kennedy, Đại học Harvard (Hoa Kỳ) tại Tọa đàm Nghiên cứu chuẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng của Việt Nam vừa được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay 13/12.

Theo GS Ricardo, minh chứng cho 30 năm đổi mới thành công của Việt Nam đó là tăng trưởng cao, phúc lợi xã hội đảm bảo và Việt Nam đã bước ra khỏi các quốc gia chậm phát triển, thu nhập thấp. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng cao, thu nhập thấp, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn lực tăng trưởng bị phân tán đang là rào cản, điểm nghẽn của Việt Nam trong năm tới.

GS Ricardo Hausmann, tăng trưởng Việt Nam cao, nhanh nhưng chưa bền vững, chưa có chất lượng
GS Ricardo Hausmann, tăng trưởng Việt Nam cao, nhanh nhưng chưa bền vững, chưa có chất lượng

Theo vị giáo sư Mỹ, hiện Việt Nam có hơn 3 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài, họ được tiếp cận các công nghệ, được chuyển giao kỹ thuật từ các đối tác để sản xuất những máy móc công nghệ cao. Từ đó, Việt Nam cũng nổi lên là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng điện thoại, máy móc và công nghệ do FDI mang lại.

Tuy nhiên, ông Ricardo cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam có biến được lợi thế thu hút FDI để lan tỏa thành ngành sản xuất kinh doanh của mình hay không?

Ông Ricardo bảo vệ luận điểm của mình và đưa ra dẫn chứng là: Hơn 10 năm trước, khi tập đoàn Deawoo (Hàn Quốc) đầu tư vào ngành dệt may Bangladesh, họ đã chọn 80 lao động ưu tú để sang Hàn Quốc học tập, rồi về làm việc tại nhà máy của Deawoo tại nước này. Tuy nhiên, thời gian sau đó 80 lao động này bỏ ra ngoài làm riêng, họ thành lập hơn 80 doanh nghiệp tư nhân, dần trở thành các doanh nghiệp vệ tinh của Deawoo và trở thành những ông chủ thực sự của ngành dệt may nước này.

Một hiện tượng tương tự là hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc, trước đây họ chỉ là nhà cung cấp linh kiện cho thương hiệu máy tính Thinkpad của Microsoft (Mỹ). Tuy nhiên, họ đã tiến bước dần từ nhà cung cấp linh kiện, thành đối tác, rồi sau đó mua lại hoàn toàn thương hiệu máy tính trên.

"Liệu 3 triệu lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài có mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp khi học hỏi được hết công nghệ, thủ thuật của nước ngoài hay không? Đây là câu hỏi, cũng như là kỳ vọng của Việt Nam trong tương lai", GS Ricardo kỳ vọng

Để hiện thực hóa ước mơ, ý tưởng, để biến những người công nhân thành ông chủ, biến ý tưởng thành phát kiến, GS Ricardo Hausmann khuyên Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ nguồn lực đúng chỗ, hiệu quả, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, tư nhân trong phát triển đất nước. Đặc biệt, vị này lưu ý Việt Nam nên tạo cơ chế để kêu gọi người Việt trở về xây dựng đất nước, giúp Việt Nam thoát khỏi một số điểm nghẽn hiện tại.

"Tôi có thể liên hệ từ việc Trung Quốc kêu gọi Hoa Kiều quay trở về phát triển đất nước, đã có rất nhiều người Hoa ở Hồng Kông, Singapore đã quay trở về đem vốn, công nghệ cho phát triển Trung Quốc. Việt Nam cũng vậy, các bạn nên đưa ra nhiều chính sách, gợi mở nhiều hành động nhằm kêu gọi Việt kiều về quê làm giàu thay vì chỉ kêu gọi người nước ngoài đầu tư. Hãy thay đổi cách thức, chỉ có người Việt đầu tư tiền sang nước ngoài sinh sống bằng việc xây dựng cơ chế để kéo kiều bào trở về Việt Nam đóng góp cho phát triển", ông Ricardo nói.

Phản biện về vấn đề này, chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay: "Hiện Việt Nam vẫn được các tổ chức thế giới khen thưởng là tăng trưởng cao và nhanh, nhưng tăng trưởng chưa phục vụ cho phát triển lâu dài, thu nhập đầu người vẫn thấp, chưa tạo nền tảng cho tương lai. Việt Nam muốn tăng độ phức tạp và giá trị của nền kinh tế buộc phải có công nghệ, có kỹ năng và phải có tri thức, kết nối và phân công sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu những nền tảng này".

"Nguồn lực bây giờ bị phân tán kinh khủng, mỗi tỉnh tìm kiếm lợi thế của mình, phát triển theo chiến lược của mình không theo quy hoạch của vùng nên tỉnh nào cũng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, cũng đòi xây sân bay. Trong khi đó, quy mô GDP của Việt Nam nhỏ, kinh tế các tỉnh chi phối lớn tư duy kinh tế cả nước, thành 63 nền kinh tế không theo quy hoạch vùng, liên vùng...", bà Lan lo ngại.

Theo bà Lan, cái đau của Việt Nam là tăng trưởng cao nhưng năng suất rất thấp, thu nhập tăng chậm, đô thị hóa chậm. "Nguyên nhân là do môi trường kinh doanh đang rất rủi ro, cải cách thể chế chậm và phân bổ nguồn lực phân tán, xé lẻ về các địa phương và bất cân đối giữa khu vưc công và khu vực tư. Cải cách thể chế hiện đang được là chốt chặn nhất để Việt Nam vượt qua chính mình, hội nhập thế giới", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay.

Theo G.S Ricardo Hausmann trong 30 năm đổi mới, dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ đứng sau Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam không cao vì thu nhập đầu người tăng chậm.

"Quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc sau 30 năm, dân số nông thôn giảm 50%. Tại Trung Quốc, dân số nông nghiệp sau 30 năm qua cũng giảm 30%, còn tại Việt Nam sau 30 năm qua, dân số nông thôn, nông nghiệp vẫn chiếm 60%, chỉ giảm trên 10% so với trước. Tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tôi đang đặt câu hỏi phải chăng các điểm nghẽn của nền kinh tế đang ngáng đường, khiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm chạp, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển chậm hơn so với khu vực", G.S Ricardo nói.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm