1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

(Dân trí) - Theo dự thảo thông tư, tỷ lệ tối đa mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại Nhà nước được NHNN đề xuất nâng lên thành 25% từ mức 15% như quy định hiện hành; của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đề xuất nâng lên mức 35% từ 15%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, đơn vị đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT­NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng hợp tác xã được giảm xuống mức 50% và giảm tiếp xuống còn 40% kể từ ngày 1/1/2018. Tỷ lệ tương ứng của các TCTD phi ngân hàng là 90% trong năm 2017 và 80% kể từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bố sung Thông tư 36, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chỉ giảm xuống còn 45% kể từ đầu năm 2018 và sẽ giảm tiếp xuống mức 40% kể từ đầu năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ này của các TCTD phi ngân hàng vẫn được giữ nguyên ở mức 90%.


Theo lý giải từ NHNN, việc giãn lộ trình này còn thúc đẩy và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo lý giải từ NHNN, việc giãn lộ trình này còn thúc đẩy và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo dự thảo thông tư, tỷ lệ tối đa mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng được đề xuất nâng lên thành 25% từ mức 15% như quy định hiện hành; của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đề xuất nâng lên mức 35% từ 15%. Tỷ lệ này của các ngân hàng khác (cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài) vẫn được giữ nguyên ở mức 35%; với các TCTD phi ngân hàng cũng được dự kiến giữ nguyên ở mức 5%.

NHNN cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông tư trên có nội dung điều chỉnh theo hướng giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn một cách phù hợp. Việc điều chỉnh này cũng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, quyết định về tỷ lệ tối đa cho phép vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn nâng từ 40% lên 45% áp dụng 1/1/2018 là bước đi tiếp theo trong chuỗi các chính sách nới lỏng nhất quán của Chính phủ cũng như NHNN nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức cao trong vòng 7 tháng đầu năm (đạt 9,3%, tăng cao so với mức 8,54% cùng kỳ năm ngoái) và định hướng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu trên 20% cho cả năm; tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của hệ thống, theo VCBS ước tính, hiện vào khoảng quanh 45% thì động thái thái kể trên của NHNN, nếu được chính thức áp dụng, sẽ hỗ trợ giảm đáng kể áp lực huy động với các ngân hàng thương mại. Thông qua đó, chi phí vốn của các ngân hàng có thể được giữ ổn định hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NHTM trong việc phát triển tín dụng.

Điều này sẽ giúp các nhà băng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng.

Nếu dự thảo này được thông qua, các NHTM sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.

An Hạ