Giảm lãi suất chỉ tạo vốn rẻ lĩnh vực ưu tiên, không gây lạm phát
(Dân trí) - Sau động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành 0,25% và 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại, nhiều lo ngại về tăng trưởng nóng tín dụng, và nguy cơ lạm phát được đưa ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế đã bác bỏ lo sợ trên.
Chia sẻ với báo giới xung quanh chủ đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng nói: NHNN giảm lãi suất cho vay không giảm lãi suất huy động và chỉ giảm cho một số lĩnh vực ưu tiên không làm tăng trưởng nóng nguồn tín dụng và nảy sinh lạm phát.
Đúng đắn khi giảm lãi vay, giữ lãi suất huy động
Theo ông Lực, việc giảm lãi suất về cơ bản là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng đầu năm nay khá là thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố cho thấy, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý II, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015.
Ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm thận trọng và đúng đắn.
"Nếu giảm lãi cho vay và giảm luôn cả lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền “chảy” sang nhiều các kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Và vì vậy, việc huy động vốn gặp khó khăn, không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp", ông Lực phân tích.
Trước câu hỏi vì sao không để thị trường tự điều tiết thay vì dùng mệnh lệnh hành chính, ông Lực nói: “Bản thân tôi đã có rất nhiều lần đề xuất bỏ trần lãi suất nhưng thực tế vẫn còn rủi ro phức tạp. Do vậy, một số trường hợp vẫn phải sử dụng mệnh lệnh hành chính. Một số trường hợp như dự án tốt, doanh nghiệp tốt vẫn luôn có nguồn vốn tốt, đó chính là câu chuyện thị trường”.
Về ý kiến lo ngại việc giảm lãi suất sẽ khiến tín dụng tăng trưởng “nóng”, ông Lực cho rằng, với mức giảm như hiện nay thì tín dụng cũng sẽ không tăng quá nhanh và chỉ giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên. Hiện những lĩnh vực ưu tiên này chỉ có mức tăng khoảng 12-14% do vậy vẫn còn dư địa để tăng tiếp.
Chỉ có vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên
"NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không giảm lãi suất đại trà, không để dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao", TS Lực cho hay.
Cũng cùng chủ đề, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: Về cơ bản, quyết định không hạ lãi suất huy động của NHNN là hoàn toàn đúng đắn bởi nếu làm thế thì người dân sẽ tính toán lại việc gửi tiền vào ngân hàng.
"Một khi ngân hàng thiếu vốn thì cho vay sẽ đắt hơn chứ không thể rẻ được. Không phải cứ hạ đầu vào là hạ được đầu ra. Động thái của NHNN như vậy là rất khéo léo”, ông Thành nhận định.
Nên phát hành chứng chỉ vàng
Về vấn đề huy động vàng trong dân, TS Lực tỏ rõ quan điểm ủng hộ và cho rằng nên phát hành chứng chỉ vàng để người dân cầm cố vàng, vay tiền để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ông này cho hay, huy động vàng đã được Ấn Độ làm thành công và bối cảnh hiện nay Việt Nam cần nghiên cứu thêm.
"Phát hành chứng chỉ vàng không có lãi suất, sẽ giúp ngân hàng giữ hộ vàng của dân, đồng thời không tăng nguy cơ vàng hóa nền kinh tế, mà người dân vẫn được đem thế chấp vàng để kinh doanh, đầu tư chứ không để dưới gối, cất ngăn tủ như hiện nay", TS Lực nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian hiện thực hóa đề án này, ông Lực cho rằng, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu sâu thêm và làm được vấn đề này chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, khi muốn tăng thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Nguyễn Tuyền