1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nhân Việt "bị động" chờ TPP, Brexit

(Dân trí) - Năm ngoái, cộng đồng kinh tế Việt Nam vui mừng khi kết thúc đàm phán TPP. Giờ đây, khi TPP im ắng thì tiếp tục có hiện tượng Brexit ở Anh. Nhiều doanh nghiệp đang khoanh tay đứng chờ, ngóng đợi...

Tại đối thoại chính sách "Xây dựng tương lai bền vững", ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã nhắc lại "niềm vui ngắn chẳng tày gang" của doanh nhân Việt khi mới năm ngoái Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc vòng đàm phán nhưng giờ đây im ắng lạ thường. Các nước thành viên đang chờ đợi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định và có nhiều lo ngại sẽ không được thực thi khi chính người Mỹ không mặn mà với TPP.

Trong khi "thấp thỏm" chờ đợi tín hiệu từ TPP thì cộng đồng doanh nhân Việt lại đón nhân thêm tin "chưa biết vui hay buồn" khi xảy ra hiện tượng Brexit - Anh rời liên minh Châu Âu (EU).

"Chúng ta có chuẩn bị gì nếu như TPP chưa được phê chuẩn? Nếu Anh ra khỏi EU thì chúng ta có chủ động gì không, trực tiếp ký với Anh hay ký cả 3 bên là Anh và EU?", ông Thành trăn trở.

Việc đón nhận TPP một cách thụ động như thế này cực kỳ nguy hiểm
Việc đón nhận TPP một cách thụ động như thế này cực kỳ nguy hiểm

Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch UNI Group dự đoán, TPP khó có khả năng diễn ra sớm. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Việt đang đứng chờ, chỉ khi nào TPP được Quốc hội Mỹ thông qua thì mới... chạy. Việc đón nhận TPP một cách thụ động như thế này cực kỳ nguy hiểm. Phải làm thực chất, không mơ hồ, không chạy trước đón đầu.

"Chúng tôi muốn làm chắc, chuẩn bị những tình huống xấu nếu không có TPP chứ đừng để chưa có TPP đã thấy thiệt hại như ngành dệt may rồi. Các nước không tham gia TPP thì họ cũng có hướng đi riêng. Doanh nghiệp Việt đang rất mong Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách không ngừng tìm kiếm hướng đi. Nếu chúng ta lùi thì chúng ta vụt mất cơ hội", ông Tín nói.

Trước sự lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, nếu Mỹ không thông qua TPP trong khi 11 nước còn lại thông qua thì TPP cũng không có hiệu lực gì. Do đó, phải để ý đến phiên họp cuối cùng của Quốc hội trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama.

"Tôi hy vọng chính quyền Mỹ cũng sẽ đưa TPP ra diễn đàn quốc hội và thông qua vì suy cho cùng cũng là lợi ích của chính quốc gia họ. Không ai đưa hiệp định lợi cho nước khác mà không có lợi cho mình. Chúng tôi mong muốn TPP thông qua một cách thuận lợi từ quốc hội của 12 nước thành viên", ông Khánh nói.

Tuy mong đợi là vậy nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam không muốn phụ thuộc quốc gia nào. Do đó, không phải vì không có TPP mà chúng ta dừng tốc độ cải cách, đổi mới.

Ông Khánh kể lại rằng, khi lệnh cho Bộ Công Thương đàm phán TPP, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, ta tham gia TPP vì quyền lợi của chính chúng ta. Nếu Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chí thì phải hoàn thiện bởi các quy định của TPP là đồng chiều với định hướng tái cơ cấu và cải cách doanh nghiệp của chúng ta, phù hợp chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, phù hợp nỗ lực bảo vệ môi trường sống của người dân...

"Việc tham gia TPP là hiện thực hoá các chủ trương chính sách của ta. Nếu không có TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục mô hình đổi mới mà chúng ta bắt đầu từ năm 1986. Dù có hay không có TPP thì tôi mong bạn vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam", Thứ trưởng Khánh nói.

Về Brexit, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, người Anh bỏ phiếu rời EU nhưng chưa đàm phán rời EU. Bắt đầu và kết thúc rời EU cũng là quá trình.

"Sẽ rất thiếu tế nhị nếu như nói với EU, tôi đàm phán theo kiểu không có Anh hay đàm phán riêng với Anh mà không có EU. Như vậy chẳng khác nào cầm đèn chạy trước ô tô. Nhiều khả năng hiệp định của Việt Nam với EU có hiệu lực rồi mới diễn ra Brexit. Còn khi đó như thế nào thì chúng tôi chưa nói được ở đây", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Công Quang