Doanh nghiệp thu nghìn tỷ, nộp ngân sách chỉ vài đồng
(Dân trí) - "Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên họ nộp cho ngân sách quá ít và không đáng kể. Đa số, các DN tự khai báo doanh thu, tự tính toán cân đối số tiền nộp thuế và tự nộp cho Nhà nước. Điều này gây thất thu cho ngân sách và khiến mất công bằng trong quản lý thuế"
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam tại Tọa đàm về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay (26/10) tại Hà Nội.
Bà Cúc chia sẻ: Hiện hoạt động của các DN thương mại điện tử tại Việt Nam rất nhiều, từ cung ứng dịch vụ đi lại, nghỉ dưỡng, làm đẹp, trò chơi online đến cả hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta chưa thu được lượng thuế tương ứng đối với doanh thu và lợi nhuận của các DN này.
"Hiện, tại Việt Nam có rất nhiều hình thức kinh doanh TMĐT từ các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp ngoại có yếu tố sử dụng dịch vụ để khai thác doanh thu. Phần lớn các hình thức này chủ yếu cung ứng dịch vụ trên nền tảng internet, điện thoại để cung ứng hàng hóa, dịch vụ rồi thu tiền qua visa, thẻ tín dụng của các ngân hàng. Việc quản lý này hiện nay rất phức tạp", bà Cúc cho hay.
Khảo sát của Hội tư vấn thuế cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G là khoảng 32 triệu thuê bao. Đây là nền tảng tốt cho các hãng TMĐT khai thác thị trường. Trong khi đó, chính sách thuế và quản lý nguồn thu từ hoạt động này chậm thay đổi và chưa thu được triệt để.
Theo bà Cúc, thời gian qua, Hà Nội và TP.HCM đã thanh tra các doanh nghiệp và các loại hình kinh doanh TMĐT qua biên giới, xuyên biên giới và đã thu được số thuế nhất định. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách, chúng ta chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa có chính sách chung bắt buộc phải nộp thuế và có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước. Do đó, không tương xứng với doanh thu, lợi nhuận họ khai thác, gây bất bình đẳng trong chính sách thuế.
Bà Cúc cho hay: Kinh tế sẻ chia và thương mại điện tử xuyên biên giới là khái niệm mới, rất nhiều dự án khởi nghiệp trên thế giới đã thành công và các nước đã thu được thuế. Tại Việt Nam, khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin về loại hình TMĐT, kinh tế sẻ chia cũng đã bắt đầu phát triển, điều cần là chúng ta phải quản lý tốt, tạo cơ chế để họ tin tưởng đăng ký kinh doanh và thu được thuế.
"Quan điểm của chúng tôi khi đi tư vấn chính sách Thuế cho Bộ, ngành quản lý các loại hình kinh tế mới này là: Không nên bóp chết họ, hãy để họ hoạt động và tạo cơ chế tốt để họ công khai hình thức hoạt động, từ đó thu thuế tốt. Điều đó có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân tham gia kinh doanh", bà Cúc tâm sự.
Lấy ví dụ về trường hợp của Uber tại Việt Nam, bà Cúc nhấn mạnh: "Ngay từ khi loại hình kinh tế sẻ chia kiểu Uber đi vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi là: Không được bóp chết họ mà phải làm công bằng. Tức là chúng ta chưa quản lý tốt thì hãy xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt. Đây mới là mấu chốt của vấn đề".
Trên thực tế, tại Việt Nam đã và đang tồn tại khá nhiều hãng, doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ TMĐT theo hình thức kinh tế sẻ chia. Nhiều hãng hoạt động trên nền tảng công nghệ, kinh tế số hóa như: dịch vụ gọi xe Uber; sàn thương mại điện tử hay dịch vụ ngủ ké, dịch vụ game online... Tuy nhiên, hầu như các dịch vụ này đều không đăng ký kinh doanh theo đúng ngành nghề quy định tại Việt Nam như: Uber đăng ký kinh doanh theo dịch vụ cung ứng công nghệ thông tin, nhưng thực chất họ hoạt động là dịch vụ vận tải, hành khách. Airbnb không đăng ký ngành nghề kinh doanh lưu trú - khách sạn trong khi bản thân là cung ứng sản phẩm lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn của các cá nhân, trên nền tảng công nghệ thông tin...
Điều đáng nói sự có mặt của nhóm DN này tại Việt Nam lách thuế bằng hình thức kê khai hoặc đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với loại hình dịch vụ của họ hoặc những ngành nộp thuế rất thấp.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM, thực chất các DN hoạt động TMĐT đã và đang hoạt động kinh doanh thu lợi từ các nước khác để đem về nơi đặt trụ sở kinh doanh. Họ thu tiền từ quốc gia này đem về quốc gia kia, hình thức kinh tế sẻ chia này đang phát triển và gây đau đầu cho các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, kinh tế sẻ chia là hình thức mới, chúng ta cần đặt vấn đề làm thế nào để quản lý tốt hơn"
Theo bà Cúc, chính sách thuế hiện hành của Việt Nam được điều chỉnh đối với tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm cả kinh doanh thương mại, quảng cáo, hoạt động trong lĩnh vực giải trí... Đã là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu, lợi nhuận đều phải nộp thuế và nghĩa vụ liên quan đối với Nhà nước, đây là vấn đề công bằng trong môi trường kinh doanh và chính sách thuế.
Tuy nhiên, thực tế thu thuế còn gặp khó khăn, có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan thuế và cơ quan liên quan do đó nảy sinh lỗ hổng trong quản lý thuế. Đơn cử như trên mạng facebook, có hàng nghìn gian quảng cáo, bán hàng, tràn ngập trò chơi điện tử... mà chúng ta không thể áp dụng thu thuế đối với các DN cung ứng, thầu phụ của các đối tác bên ngoài được.
Nguyễn Tuyền