Dính hồ sơ trốn thuế Paradise: Đại gia Việt "không phải dạng vừa đâu"
Hàng trăm cái tên liên quan tới Việt Nam lộ diện trong các hồ sơ về rửa tiền, lách thuế: Paradise Papers, Bahamas, Panama Papers, Offshore Leaks... Không ít cái tên trong danh sách có là các đại gia có tiếng ở Việt Nam.
Chưa thể khẳng định gì về sự xuất hiện các tên tuổi trong hồ sơ này nhưng có một điều cho thấy mối quan hệ làm ăn xuyên quốc gia, mức độ hội nhập vào giới tài phiệt quốc tế của các doanh nhân Việt là 'đáng nể'. Nói như một chuyên gia, không thể kết luận có tên trong hồ sơ này là sai phạm nhưng có một điều chắc chắn để lọt vào danh sách này là 'không phải dạng vừa đâu'.
Lộ diện ông trùm
Trang web offshoreleaks.icij.org của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiếp tục công bố Hồ sơ Paradise , tiết lộ các hoạt động trốn và lách thuế ở nước ngoài của hàng loạt chính trị gia, tài phiệt, các thực thể và cá nhân trên thế giới.
Tới nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân lộ diện trong các hồ sơ Panama, Offshore Leaks, Bahamas và Paradise. Tại Việt Nam, hàng loạt cái tên mới đã xuất hiện bên cạnh những cái tên đã có trong các hồ sơ trước đó.
Trong Paradise Papers, có 2 cái tên rất quen thuộc và nổi bật trên thị trường tài chính Việt Nam là Don Lam - Giám đốc điều hành Vinacapital và Dominic Scriven - Tổng giám đốc Dragon Capital. Đây là 2 quỹ đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam.
Hàng loạt tên cá nhân, thực thể và địa chỉ liên quan tới Việt Nam khác cũng được nhắc tới trong Paradise Papers, như: Quang Hien - Vu, Shrimpton - John, Bui - James Kehoeminh, Duy - Alexis, HUYNH - Phong Thanh, Lockwood - Mark, Luu - Tony Guong Toan, Nguyen - Louis T, Ninh - Nguyen Quang, Pham - Brian Quan, Cong Giang - Bui, Khanh - Luu, Quang - Luu, Tran - Tony Phuc Thanh,...
Trong danh sách các pháp nhân có liên quan tới Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Vietnam Paiho Ltd., Sheraton Sai Gon, Vietnam Equity Holding do Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) quản lý; Quỹ đầu tư Vietnam Asset Management Ltd; Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý, Newmont Vietnam Pty Ltd,...
Danh sách còn có nhiều công ty liên quan tới các địa điểm tại Việt Nam như Phú Quốc, Hội An, Hà Nội, TP.HCM,...
Trước đó, trong năm 2016, Panama Papers cũng công khai danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, liên quan đến các công ty vỏ bọc và hàng trăm địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều doanh nhân như ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch SSI), bà trùm quản trị ngân hàng Đàm Bích Thủy (cựu CEO ANZ), ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch IPP),... đã lên tiếng và khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại công ty nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là bình thường, hợp pháp.
Thế giới sục sôi
Vụ rò rì Hồ sơ Paradise tiếp tục gây chấn động thế giới, giống như vụ Hồ sơ Panama cách đây hơn 1 năm. Các hồ sơ này tiết lộ hàng loạt cách thức trốn thuế, lách thuế của giới siêu giàu toàn cầu, trong đó có nhiều chính trị gia, nhà tài phiệt và cả các tỷ phú trên toàn cầu.
Hồ sơ Paradise có hàng ngàn trang mô tả chi tiết cách trốn thuế, lách thuế của những người giàu nhất thế giới, cách thức mà các tập đoàn đa quốc gia sử dụng để lách luật, bảo vệ tài sản của mình ở nước ngoài - nơi mà hầu hết Chính phủ các nước không thể can thiệp.
Hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong Hồ sơ Paradise.
Theo tiết lộ của Hồ sơ Paradise, sau khi bị phanh phui trốn thuế năm 2013, Apple đã đi tìm một thiên đường thuế khác và tiếp tục trốn hàng chục tỷ USD tiền thuế trong nhiều năm qua.
Một trong những chiêu lách thuế của Apple là mua bán các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ của chính công ty. Ví dụ, khi một chi nhánh của Apple đặt mua iPhone từ nhà máy, ngoài chi phí sản xuất thì chi nhánh này còn phải trả tiền sáng chế cho chi nhánh ở Ai Len. Phần lớn lợi nhuận do đó có thể chuyển về Ai Len, nơi mà mức thuế rất thấp.
Việc công bố Hồ sơ Paradise diễn ra trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây cho thấy, giới nhà giàu, các công ty đa quốc gia lại đẩy mạnh việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, với con số lên tới 600 tỷ euro chỉ trong năm ngoái.
Đáp lại những thông tin công bố trong các hồ sơ, nhiều nước đã có những phản ứng khá mạnh mẽ. Tại Anh, đảng đối lập đã yêu cầu chồng của thủ tướng Anh Theresa May "trả lời những câu hỏi nghiêm túc" liên quan tới việc công ty Capital Group của ông Philip có mối quan hệ với hãng luật Appleby để thu xếp các khoản đầu thư cho khách hàng tại những địa danh tránh thuế.
Tại Việt Nam, có thể thấy, trong Hồ sơ Paradise có nhiều pháp nhân và cá nhân liên quan tới các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, số lượng những cái tên thuần, đặc trưng Việt Nam cũng rất nhiều.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và sẽ khó có câu trả lời như: Những cái tên trong Hồ sơ Paradise và các hồ sơ trước đó là ai? Họ có hay không, chuyển bao nhiêu tiền ra bên ngoài, tiền kiếm từ đâu và chuyển ra nước ngoài theo hình thức nào?...
Việc điều tra và xác minh các thông tin như vậy là rất khó khăn. Nhiều thông tin về các đại gia Việt có tài sản ở các ngân hàng HSBC, ngân hàng ở Thụy Sĩ,... trước đó cũng đã chìm vào trong quên lãng.
Theo H. Tú
VietnamNet