Đề xuất xây nhiệt điện 5 tỷ USD sát Cần Giờ: Bộ Công Thương "trấn an” dư luận

(Dân trí) - Liên quan tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực với vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD, Bộ Công Thương khẳng định chỉ phê duyệt khi Quy hoạch đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và sẽ được quản lý chặt chẽ quá trình triển khai.

Bộ Công Thương khẳng định chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu.
Bộ Công Thương khẳng định chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu.

Liên quan đến việc quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Long An, Bộ Công Thương vừa phát đi thông cáo cho biết, hiện tại Tổng cục Năng lượng đang hoàn thiện công tác thẩm định Hồ sơ Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê duyệt.

Bộ Công Thương khẳng định chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch Quốc phòng an ninh và các quy hoạch chuyên ngành khác; Đảm bảo khả thi cho phát triển các dự án Nhà máy nhiệt điện Long An I, Long An II.

Đồng thời, dự án này cũng phải phù hợp với định hướng về công nghệ áp dụng phải phù hợp với công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao trên trế giới cũng như có giải pháp xử lý phát thải đảm bảo môi trường, đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam hiện hành.

"Trường hợp Quy hoạch Trung tâm điện lực Long An đáp ứng yêu cầu, được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy nhiệt điện", Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ này, khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, các dự án phải có giải pháp kỹ thuật tuân thủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, đặc biệt xem xét kỹ các nội dung liên quan đến môi trường: công nghệ áp dụng, giải pháp xử lý phát thải, giám sát của cộng đồng...

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), tại tỉnh Long An sẽ phát triển 2 dự án nhà máy nhiệt điện: Long An I quy mô 2x600MW vận hành năm 2024-2025 và Long An II quy mô 2x800MW vận hành năm 2026-2027. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch địa điểm, quy hoạch chi tiết các trung tâm nhiệt điện than… trong đó có trung tâm điện lực Long An.

Bộ Công Thương đã giao Tư vấn điện 2 là đơn vị Tư vấn chuyên ngành thực hiện khảo sát, lập Quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Long An. Hồ sơ Quy hoạch tháng 3/2016, tư vấn đã đề xuất chọn địa điểm tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tuy nhiên, sau đó, theo báo cáo tháng 2/2017 của đơn vị tư vấn, địa điểm Trung tâm điện lực Long An được đề xuất tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

"Về điều kiện kỹ thuật: mặt bằng, cung cấp nước làm mát, tuyến luồng và cảng cho tàu vận chuyển than có tải trọng ≥50 000 DWT… thì địa điểm đề xuất tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phù hợp với phát triển 2 dự án có tổng công suất khoảng 2800 đến 3600MW. Địa điểm này phù hợp với Quy hoạch của Tỉnh Long An, với quy hoạch Quốc phòng, phù hợp với quy hoạch Giao thông vận tải", Bộ Công Thương cho biết.

Liên quan tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực này, trước đó, UBND TPHCM ủng hộ chọn địa điểm tại Cần Đước theo báo cáo của tư vấn tháng 2/2016 và có ý lo ngại nếu Trung tâm điện lực đặt tại Cần Giuộc sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống khu đô thị Cảng Hiệp Phước.

Chính quyền TPHCM cũng đưa lý do không đồng tình vị trí này vì: mặt bằng hạn chế, chi phí san lấp lớn. Đoạn sông qua khu vực này hẹp, uốn khúc và luồng chính Soài Rạp khó bố trí cảng than; không đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải tàu bè ra vào cảng Hiệp Phước.

UBND TPHCM cũng cho rằng, chỉ cách TPHCM con sông Soài Rạp, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, dù có công nghệ mới, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than nếu đặt ở đây sẽ tiềm ẩn rủi ro về môi trường như phát tán bụi, xả thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp.

Mặt khác, nếu Trung tâm nhiệt điện Long An nằm ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - nằm giữa các luồng kênh rạch và với hướng gió chủ đạo của khu vực miền Nam là Tây Nam - sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Việc này ảnh hưởng đến quy hoạch Khu đô thị Hiệp Phước đang được TPHCM phát triển thành khu đô thị loại 1 - ven cảng quốc tế quy mô lớn, hiện đại và là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Trung tâm điện lực Long An nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, đang ở giai đoạn lập quy hoạch nghiên cứu và chọn địa điểm có vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD. Theo kế hoạch, trung tâm được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 trở đi với 2 nhà máy tổng công suất 2.800 MW. Với công suất này, nhu cầu than tiêu thụ cho nhiệt điện Long An sẽ lên đến gần 10 triệu tấn mỗi năm - dự kiến nhập từ Úc, Indonesia về cảng nhập than theo tuyến sông Soài Rạp.

Phương Dung