Đầu tháng 2 tỷ đồng, cuối tháng 4 tỷ đồng: Ham lãi đậm, lao vào cơn say
Long Thành đang là điểm nóng khi dự án sân quốc tế Long Thành sắp được khởi công. Giá đất đang được "thổi" lên từng ngày dẫn tới mối lo về "bong bóng" có thể xảy ra ở đây.
Loạn dự án, loạn giá bán
Dự án sân bay quốc tế Long Thành cách TP.HCM khoảng 40km về phía Đông, trên địa phận 6 xã thuộc huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) gồm Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước với tổng diện tích quy hoạch 5.000 ha.
Từ năm 2009, khi có thông tin về quy hoạch sân bay Long Thành (Đồng Nai), giá nhà đất khu vực này bắt đầu sốt “nóng”. Giới đầu tư Sài Gòn, Hà Nội đổ vào săn đất Long Thành nhằm kiếm lời từ đền bù hoặc chuyển nhượng lại khi giá đất tăng cao.
Cuối năm 2016, đất Long Thành lại “nóng” trở lại sau cái “bấm nút” của Quốc hội, giá đất ngay lập tức bị đẩy lên gấp 3-4 lần. Dù quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành vẫn chưa được phê duyệt, nhưng tình trạng mua bán vẫn diễn ra tấp nập khiến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải can thiệp bằng quyết định tạm ngưng tách thửa.
Sang năm 2017, thị trường bất động sản Đồng Nai, nhất là vùng quanh khu vực được quy hoạch làm sân bay Long Thành, được giới đầu tư săn đón từng ngày. Sự khởi động mạnh của nhiều công trình hạ tầng, thị trường bất động sản Đồng Nai đã được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn. Nhiều thông tin đồn thổi giá đất gần khu vực sân bay đang sốt, người người đem tiền đi gom đất...
Tại huyện Long Thành, những khu vực có bán kính cách Dự án Sân bay Long Thành 5-7 km, hàng loạt bảng hiệu chào bán đất được mọc lên. Thông tin quảng cáo ghi đủ loại giá, từ 3 tỷ/ha, 1,8 tỷ/ha đến 350 triệu/nền, 300 triệu/nền, 280 triệu/nền, 209 triệu/nền sổ hồng riêng,...
Ngoài việc treo biển quảng cáo tạo sức hút cho thị trường, đội ngũ môi giới đất tại Long Thành còn tổ chức “đóng trạm” tại các quán cà phê, quán nước ven đường.
Lợi dụng tâm lý nhiều người muốn sở hữu nhà gần sân bay để thuận lợi giao thông, phát triển kinh tế gia đình,... nên các nhà đầu cơ đã dùng các quy hoạch trên giấy để chào bán sản phẩm cho khách hàng. Trong khi đó, đây chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân lô tách thửa...
Theo tính toán của “cò” đất thời đó, mỗi héc-ta đất nông nghiệp có giá khoảng 800-900 triệu đồng, nhưng nếu dự án triển khai thì giá đền bù có thể lên tới 2 tỷ đồng, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề... Đất nông nghiệp Long Thành bị “thổi” giá lên vài lần, từ 3,2 đến 4 tỷ đồng mỗi ha.
Thời điểm này không còn rầm rộ thổi giá như đợt sốt đất đầu năm, nhưng việc giao dịch đất nền tại các khu vực lân cận sân bay Long Thành đang cho thấy thanh khoản tốt. Các nhà đầu tư cũng âm thầm lựa chọn đất để đưa ra mức giá phù hợp sau khi nhiều người lao vào đầu tư trước đó.
Cảnh giác với 'sốt ảo'
Quyết định về việc tạm ngưng tách thửa đất tỉnh Đồng Nai đã ban hành từ tháng 4/2017 đang hạn chế quyền giao dịch mua bán, sang nhượng của người dân nhưng vẫn không ngăn được việc mua bán đất do "ăn theo" dự án sân bay Long Thành.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định, đất trong khu vực sốt và sốt rất ảo. Ông Vĩnh nói: “Vấn đề về giá đất sốt vừa qua. Có sốt không? Chúng tôi khẳng định là sốt và sốt rất ảo. Bởi vì sao, họ cứ nghĩ có sân bay lên đất tất cả các vùng tăng. Nhưng họ đâu biết là sân bay lên sẽ làm cái hàng rào. Ở đây phần lớn là người nơi khác đến mua”.
Ảnh quy hoạch sân bay
Sau khi có quy hoạch dự án sân bay Long Thành, cơ quan quản lý nhà nước đã không cho phép chuyển quyền sử dụng đất trong khu vực 5.000ha của dự án. Hiện nay, cơ quan chức năng đang hạn chế tách thửa, cấp phép cho các dự án dân cư, quản lý chặt diện tích 21.000ha đất vùng phụ cận sân bay.
Nhận định về thị trường bất động sản Long Thành, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng thị trường đã từng bị quả lừa trong quá khứ, đầu tiên là quả lừa với Thành phố mới Nhơn Trạch.
“Hiện Nhơn Trạch cũng chưa được thành lập thị trấn. Chưa lên thị trấn thì lấy đâu ra đô thị loại 2 năm 2020 như kế hoạch? Nhiều người đã bị vỡ mộng nên phải hết sức cẩn trọng”, ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cũng lưu ý tình trạng đầu cơ BĐS. Đó là hành vi thu gom một lượng lớn sản phẩm đủ để chi phí thị trường ở địa bàn, dự án đó. Sau khi thu gom sản phẩm dẫn tới việc làm giá, khống chế thị trường. Hành vi này ảnh hưởng tới người tiêu dùng và có thể dẫn tới mức lũng đoạn thị trường BĐS, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Mới đây, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường quản lý đất đai khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân bay Long Thành, ổn định tình hình quản lý đất đai xung quanh dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp cần thiết để phòng, chống, xử lý, ngăn chặn tuyệt đối các trường hợp đầu cơ, mua, bán, chuyển nhượng, xây dựng nhà, đất khu vực xung quanh dự án trái quy định của pháp luật, lợi dụng chính sách đất đai của nhà nước để trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào. Yêu cầu thực hiện đúng dự toán đã được phê duyệt. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về tình hình quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là khu vực xung quanh dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó tập trung vào khu vực sân bay, kịp thời phát hiện và chủ động hướng dẫn địa phương khắc phục các vướng mắc, bất cập, thiết sót phát sinh.
Theo Nam Hải
VietnamNet