1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Có thêm 16 tỉnh "trắng" FDI trong đầu năm 2017

(Dân trí) - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, hai tháng đầu năm 2017, cả nước chỉ có 47 tỉnh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm, còn 16 địa phương không thể thu hút được vốn nước ngoài nào cũng như các dự án cũ được tăng thêm vốn.

Cụ thể, 16 địa phương gồm 5 tỉnh miền núi phía Bắc: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên. 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là: Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Thuận. 4 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là: Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số tỉnh "trắng" thu hút FDI đều là những địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt, không có thế mạnh phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tỉnh cơ sở hạ tầng hạn chế như các tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh nghèo tài nguyên như Bạc Liêu, Hậu Giang... Đây là những tỉnh trong nhiều năm liền không thể thu hút được dự án FDI nào nếu có cũng chỉ vài dự án với số vốn ít ỏi.

Tuy nhiên, trong bảng danh sách 16 địa phương "trắng FDI", có những tỉnh đột nhiên nằm trong danh sách này như: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk và Tuyên Quang. Đây là những địa phương vẫn có nhiều lợi thế về khoáng sản, tài nguyên và gần với nhiều vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, trong hai tháng qua, không có nhà đầu tư nước ngoài nào ghé thăm.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều hiện nhiều tỉnh địa phương của Việt Nam không thể thu hút vốn FDI trong nhiều năm. Nguồn vốn phát triển của địa phương phụ thuộc vào vốn đối ứng của trung ương, vốn thu 100% ngân sách của tỉnh và vốn của ngân sách trung ương hỗ trợ.

Luỹ kế đến hết ngày 20/2/2017, ba tỉnh là Bắc Cạn, Lai Châu và Gia Lai chỉ có từ 3 - 5 dự án kêu gọi được đầu tư nước ngoài với số vốn cực kỳ ít ỏi, trong đó Bắc Cạn thu hút được 3 dự án với 13 triệu USD, Gia Lai 5 dự án với 12 triệu USD và Lai Châu 3 dự án với 4 triệu USD.

Việc ngày càng có nhiều tỉnh "trắng" trong thu hút FDI dẫn đến thực trạng, các địa phương này phụ thuộc nguồn "viện trợ" từ vốn phát triển từ Trung ương ngày càng lớn.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện tỷ lệ các tỉnh tiêu 100% số thu cho nhiệm vụ chi của tỉnh đang mở rộng không chỉ ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, mà còn ở các tỉnh có lợi thế phát triển. Mất cân đối, thu không đủ chi đã và đang khiến các tỉnh này phụ thuộc lớn vào ngân sách địa phương. Số tỉnh không thể tự chủ về thu - chi đã và đang đặt gánh nặng trực tiếp lên vai các địa phương khác và khiến bội chi ngân sách trở nên trầm trọng hơn.

An Linh