Chưa thỏa đáng khi Bộ trưởng nói "thủy điện vận hành đúng quy trình"
(Dân trí) - Đây là phát biểu của Đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) đưa ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên thảo luận hội trường hôm nay (3/11).
Bấm nút tranh luận sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) thẳng thắn: "Tôi nghĩ Bộ trưởng mà nói trong thời gian qua, các nhà máy thủy điện vận hành đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa đáng, đề nghị Bộ trưởng trao đổi rõ hơn".
Ông Học cho biết, qua thực tế cho thấy, đối với các công trình thủy điện từ việc tích nước đến xả lũ tại nhiều địa phương có ý kiến phản ánh là "chưa đúng quy định", "chưa đúng quy trình".
"Đặc biệt lũ lụt miền Trung hiện nay cho thấy cần phải xem lại việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện là có đúng quy định, đúng pháp luật hay không?" - vị đại biểu nêu. "Phải xem các công trình thủy điện này trong thời gian qua đã làm tốt chức năng vào mùa khô hạn là cung cấp nước phục vụ sản xuất, vào mùa mưa lũ thì tích nước để hạn chế lũ lụt hay chưa?".
Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng báo cáo kiểm tra vận hành xả lũ các hồ thủy điện khu vực miền Trung, trong đó có thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Theo Bộ Công Thương, việc xả lũ của hồ chứa Hố Hô trong đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng nhất định tới lũ về hạ du, nhất là các xã ngay sau đập. Trong khoảng thời gian từ 17h30 ngày 14/10 đến 2h00 ngày 15/10, việc xả lũ này làm gia tăng lưu lượng về hạ du trung bình khoảng 192 m3/s.
"Tuy nhiên, việc xả lũ trong tình huống khẩn cấp là phù hợp với quy trình vận hành hồ chứa để tránh nguy cơ xảy ra sự cố lớn hơn cho vùng hạ du", Bộ Công Thương báo cáo với Thủ tướng.
Trong phần giải trình của mình với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thủy điện là lĩnh vực "rất ưu tiên" của ngành công thương. Cùng với nhiệt điện than thì thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu cho phát triển của đất nước cả về kinh tế, xã hội và tiêu dùng.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề quan tâm hiện nay là việc quan tâm đến vấn đề môi trường trong đầu tư sản xuất điện năng. "Ở đây là ý thức cũng như quán triệt tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy điện".
Ông Tuấn Anh khẳng định là xét ở góc độ công nghệ thì "không có vấn đề" vì phần lớn các dự án điện đều được thực hiện theo công nghệ tiên tiến của các nước G7.
"Tuy nhiên, bộc lộ trên thực tế thời gian vừa qua chính là vấn đề thiết bị cũng như các tổng thầu, các nhà thầu thực hiện không chấp hành và không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó. Vì vậy, đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ đầu tư trong thực hiện pháp luật nhà nước về bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích.
Ngoài ra, ý kiến phản biện của đại biểu Nguyễn Thái Học cũng đánh giá, khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc "đời sống của người dân vùng triển khai các dự án thủy điện được đảm bảo" là chưa thỏa đáng. Bởi theo đại biểu, hiện nay nhiều bà con ở vùng thủy điện là hộ nghèo 50%, 60% có nơi là 80%.
Vị đại biểu đề nghị người đứng đầu ngành công thương cần quan tâm thỏa đáng và làm sao để điều hành của Bộ Công Thương đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thủy điện.
Bích Diệp