1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch SSI đã nói không đầy đủ việc "dính tên" trong Hồ sơ Panama ?

(Dân trí) - Dân trí vừa trao đổi với một quan chức (giấu tên) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc một số doanh nghiệp Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Nhưng những gì ông này nói cho thấy, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã nói chưa đầy đủ về việc có tên trong hồ sơ Panama. Nhưng ngay lập tức, SSI cũng đã trả lời về vấn đề này.

Chưa có giấy phép được cấp cho việc đầu tư sang Panama

Cụ thể, theo vị quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tổ chức trong nước phải được Bộ này cấp phép. Tuy nhiên, ông này khẳng định: "Chúng tôi chắc chắn rằng, đến thời điểm này, Bộ KH&ĐT chưa cấp phép cho một hồ sơ , dự án đầu tư nào cho các tổ chức, cá nhân nào sang Panama".


Chủ tịch SSI nói về đầu tư sang Panama là bình thường nhưng thực chất, Giấy chứng nhận đầu tư cấp chỉ là sang Mỹ

Chủ tịch SSI nói về đầu tư sang Panama là bình thường nhưng thực chất, Giấy chứng nhận đầu tư cấp chỉ là sang Mỹ

Trong phát biểu của mình với báo chí về việc có tên trong hồ sơ Panama , ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho biết, việc ông mở tài khoản tại nước ngoài liên quan đến hoạt đồng đầu tư ra nước ngoài đã được cấp phép. Cụ thể, trong trả lời báo chí của ông Hưng cũng như thông cáo báo chí của SSI phát đi ngày 10/5/2016 đều cho biết, SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý.

SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (số 249/BKH-ĐTRNN-DDC1 ngày 31/08/2010 ) để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Và theo ông Hưng, SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác. SSIAM khẳng định đã thực hiện đầy đủ các các nghĩa vụ tài chính tài chính đối với Nhà nước VN, cũng như tại nước sở tại nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, điều không rõ ràng trong các phát biểu của ông Hưng cũng như trong thông cáo báo chí phát đi của SSI thì Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI trên không phải sang Panama mà là Giấy chứng nhận đầu tư sang Mỹ.

"Chúng tôi có cấp chứng nhận cho chỗ ông Hưng đầu tư dự án ở Mỹ, về hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có thời điểm ông ấy còn định cho các cơ quan của Việt Nam ở Liên hợp quốc thuê. Nhưng bảo ở Panama thì chưa có bộ hồ sơ nào không chỉ của ông Hưng mà chưa có công ty nào ở Việt Nam được cấp", quan chức của Bộ KH&ĐT cho biết.

"Nếu ai đó đã nói chúng tôi đã cấp chứng nhận cho dự án đầu tư sang Panama thì không chuẩn. Ông Hưng nói gì thì tôi không có bình luận", ông này nói thêm.

Được biết, cùng với việc một số cơ quan của Việt Nam: Ban Nội chính Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước), Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)...đều đã cho báo chí biết sẽ kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân trong nước có tên trong hồ sơ Panama, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, Bộ này đã chủ động rà soát và dự kiến sẽ thông tin về những dự án mà Bộ này đã cấp phép ra nước ngoài và cả những dự án đầu tư vào các khu vực tự do.

"Riêng về các hồ sơ, dự án đầu tư ra vào các khu vực tự do, nơi có các chính sách thuế ưu đãi về thuế nên thuế suất khá thấp, chủ yếu là thuế dịch vụ. Nhưng qua rà soát, chúng tôi thấy tỷ lệ rất, rất nhỏ", quan chức của Bộ KH-ĐT cho biết.

"Cụ thể, về số dự án trong số vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chỉ chiếm 0,01% và về số vốn chủ chiếm 0,009%. Chúng tôi cũng chưa xác định là đầu tư vào khu vực này sai hay đúng vì ở các khu vực đó, hầu hết các nước trên thế giới họ cũng đã đầu tư. Hơn nữa, chúng tôi cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng không gian hoạt động chứ thu thuế không phải là mục tiêu", ông này nói thêm.

SSI nói gì ?

Trả lời Dân trí sáng nay về ý kiến phía Bộ KH&ĐT, đại diện truyền thông của Công ty SSI cho rằng, về vấn đề đầu tư ra nước ngoài, nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có quy định: “Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó (Điều 3, khoản 1).

"Tuy nhiên, Nghị định 83 này chỉ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và chỉ áp dụng đối với các công ty thành lập sau ngày 1/7/2015", phía SSI nêu quan điểm.

Cũng theo đại diện SSI, đối với các công ty offshore thành lập trước ngày 1/7/2015 thì vẫn căn cứ vào Nghị định 78/2006/NĐ-CP, theo đó “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó ở nước ngoài”. Do đó, việc thành lập các công ty offshore mà không có sự chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài để thành lập công ty thì không bị xem là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và do đó không phải xin phép đầu tư ra nước ngoài.

"SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ kế hoạch và đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tháng 9 năm 2009. Lần sửa đổi thứ 2 gần nhất cũng là trong tháng 10 năm 2010, nên vẫn áp dụng Nghị định 79 trước đó", SSI nêu ý kiến.

Đại diện truyền thông của SSI cũng cho biết, SSI có hoạt động hỗ trợ huy động vốn và cùng với các đối tác nước ngoài thành lập và quản lý các công ty offshore tại các nước và vùng lãnh thổ được ưu đãi về thuế.

"Việc thành lập các công ty offshore này là để phục vụ huy động vốn cho hoạt động quản lý tài sản của SSI. Việc thành lập các công offshore này là hoàn toàn hợp pháp không vi phạm các quy định đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng như các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam", Công ty này nêu.

Ngoài ra, theo quan điểm của SSI, việc các công ty quản lý quỹ và các tập đoàn trên thế giới thành lập các công ty offshore tại các nước và vùng lãnh thổ đươc ưu đãi về thuế như Delaware (Mỹ), BVI, Cayman Islands, Hong Kong, Singapore… là rất phổ biến trên thế giới. Đặc biệt đối với các công ty quản lý quỹ thì phần lớn các quỹ đầu tư quốc tế do họ quản lý đều được thành lập tại các nước và vùng lãnh thổ này vì thủ tục thành lập quỹ nhanh chóng, đơn giản và quan trọng hơn là quỹ được ưu đãi về thuế.

"Thành lập các quỹ đầu tư dạng công ty offshore tại các nước và vũng lãnh thổ được ưu đãi về thuế cũng chính là một trong các điều kiện tiên quyết đối với nhiều nhà đầu tư để họ quyết định có gốp vốn vào Quỹ hay không", đại diện SSI nói thêm.

Mạnh Quân

Chủ tịch SSI đã nói không đầy đủ việc "dính tên" trong Hồ sơ Panama ? - 2