Chủ đầu tư địa ốc tuyên bố phạt môi giới "chào" khách qua điện thoại 100 triệu đồng
(Dân trí) - Mức phạt được đưa ra đối với những đại lý, cộng tác viên vi phạm sẽ lên tới 100 triệu đồng. Thậm chí chủ đầu tư này cũng tuyên bố sẵn sàng chấm dứt hợp đồng đại lý, hoặc đưa ra cơ quan chức năng yêu cầu xử lý.
"Con dao hai lưỡi"
Một doanh nghiệp địa ốc vừa phát đi thông báo chính thức yêu cầu các đại lý, cộng tác viên không được thực hiện gọi điện thoại, nhắn tin dưới hình thức SMS để quảng cáo, giới thiệu về các dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.
Mức phạt được đưa ra đối với những đại lý, cộng tác viên vi phạm sẽ lên tới 100 triệu đồng. Thậm chí chủ đầu tư này cũng tuyên bố sẵn sàng chấm dứt hợp đồng đại lý, hoặc đưa ra cơ quan chức năng yêu cầu xử lý theo quy định pháp luật.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân môi giới bất động sản thường xuyên lạm dụng phương tiện di động dưới hình thức gọi điện, nhắn tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Điều này đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khách hàng cũng như gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của chủ đầu tư.
Áp lực phải tìm được khách, phải bán được hàng khiến nhiều nhân viên môi giới phải gọi tới hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày. Tại nhiều đơn vị môi giới bất động sản, thậm chí bộ phận bán hàng qua điện thoại còn được tập trung phát triển mạnh với phương châm “đốt trăm bó đuốc cũng tìm được một con ếch”.
Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều người không có nhu cầu nhưng cũng bất đắc dĩ phải nghe tới vài cuộc gọi mỗi ngày, bất kể sáng trưa chiều tối, để chào mua nhà đất.
Đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thừa nhận sim rác, tin nhắn rác là vấn đề đau đầu đối với Bộ Thông tin Truyền thông, chính bản thân ông cũng là “nạn nhân”.
“Nạn sim rác, tin nhắn rác gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân. Xét bản chất hiện tượng này là do bán sim trả trước một cách tràn lan, nhiều người bị sử dụng thông tin cá nhân mà không được báo trước”, Bộ trưởng nói.
Trả lời phỏng vấn chương trình góc nhìn thẳng của Vietnamnet, Bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tình trạng nhận phải cuộc điện thoại rác hiện đang ở mức báo động. Hình thức tiếp thị kinh doanh hàng hóa như thế đang bị lạm dụng quá.
"Tôi cũng như nhiều người khác cũng đã bị nhà cung cấp dịch vụ hay sản phẩm hàng hóa làm phiền rất nhiều lần trong bất kỳ giờ nào. Khi tôi đang làm việc hay có thể đang tham gia họp, đang chủ trì cuộc họp, tôi cũng đã bị những số điện thoại lạ gọi đến với mục đích như vậy", lãnh đạo Cục Viễn thông than phiền.
Người tiêu dùng có thể khởi kiện
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, hình thức tiếp thị qua điện thoại là một hoạt động mà đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần phải cảnh báo xã hội, để giúp giảm bớt hoặc chấm dứt hoạt động này, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.
"Nếu nội dung của các cuộc gọi đó là nội dung mà người dùng không mong muốn, bị phiền hà thì đó chính là việc vi phạm pháp luật. Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có điều khoản quy định rất rõ về hành vi quấy rối người tiêu dùng. Khi bị tiếp thị quá hai lần mà người tiêu dùng đã từ chối và có những bằng chứng lưu lại, ví dụ, ghi âm lại tất cả cuộc gọi đó, tôi cho rằng, người tiêu dùng đã có đủ bằng chứng để kiện", bà cho biết.
Hiện theo Khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, quy định các hành vi bị cấm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng”.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16/3/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 70 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Quảng cáo lừa dối người tiêu dùng bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Các vị luật sư và chuyên gia cũng nhiều lần khuyến cáo người tiêu dùng khi bị cá nhân, doanh nghiệp gọi điện quấy rối nhiều lần qua điện thoại có thể tố cáo vi phạm tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt cá nhân, doanh nghiệp vi phạm theo như quy định pháp luật trên. Hoặc có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng trên chấm dứt vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Phương Dung